Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
Ngày 8/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Nghị định quy định phạm vi hoạt động của hội (theo địa giới hành chính) gồm hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh; trong phạm vi tỉnh, huyện, xã (đối với hội sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng được xác định tương đương hội hoạt động trong phạm vi xã). Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2024.
Tập huấn nghiệp vụ tư pháp năm 2024 tại Bạc Liêu. Ảnh: K.K
NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG
Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; không vì mục tiêu lợi nhuận; tuân thủ Hiến pháp, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội. Nghị định 126 không áp dụng với các tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam; các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để các hội tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ, tham gia tư vấn, phản biện chính sách, chương trình, dự án, đề tài, đề án và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật gắn với nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 8 Nghị định này giao; cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ THÀNH LẬP HỘI
Tên gọi của hội phải đảm bảo các điều kiện, phải viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật. Tên phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội; không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó; không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.
Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động. Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật; có trụ sở; có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội. Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trong đó hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; hội hoạt động trong phạm vi huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; hội hoạt động trong phạm vi xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội. Hiệp hội của các tổ chức kinh tế hoạt động trong phạm vi toàn quốc có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có ít nhất 11 đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 5 đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.
KIM KIM
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh