Những quy định pháp luật về phòng chống mua bán người
Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ, quy mô. Đây là tội phạm thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội đã có hành vi phạm tội xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, quyền tự do, quyền làm người của nạn nhân, coi con người như một món hàng hóa để mua, bán, trao đổi nhằm mục đích kiếm lợi nhuận…
Sở Tư pháp tổ chức hội nghị triển khai các văn bản pháp luật mới. Ảnh: Trần Sơn
Từ đầu năm 2011 đến tháng 6/2017, cả nước xảy ra 2.748 vụ mua bán người, liên quan đến 4.110 đối tượng, lừa bán 5.984 nạn nhân (trung bình mỗi năm có trên 900 người là nạn nhân của tội phạm mua bán người). Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Để đấu tranh với loại tội phạm này, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 48/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Trong đó tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về tham nhũng, tội phạm về ma túy, tội phạm mua bán người.
Ngày 29/3/2011, Luật Phòng chống mua bán người được ban hành. Các bộ, ngành chức năng cũng ký kết 2 Thông tư liên tịch trong các năm 2013 và 2014 nhằm hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống mua bán người trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ các hành vi, bổ sung các tình tiết định khung… về tội mua bán người, tạo tiền đề pháp lý cho các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh đối với các loại tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng. Việt Nam tham gia 4 Hiệp định song phương về phòng chống mua bán người với các nước láng giềng là Thái Lan, Campuchia, Lào và Trung Quốc. Đồng thời tham gia phê chuẩn Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo) của Liên Hiệp Quốc.
Khái niệm về mua bán người được pháp luật Việt Nam định nghĩa là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện một trong các hành vi nêu trên.
Luật Phòng chống mua bán người có hiệu lực ngày 1/1/2012 quy định việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng chống mua bán người. Trong đó, có những hành vi bị nghiêm cấm như mua bán người theo quy định tại Điều 150 và Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi.
Để đấu tranh phòng ngừa tội phạm mua bán người, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản này đã và đang tạo dựng một khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người.
K.K
- Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang dự Lễ bàn giao 100 nhà cho ngư dân nghèo, hộ nghèo tại tỉnh Bạc Liêu
- TP. Bạc Liêu: Sẽ tổ chức Ngày hội biên phòng toàn dân vào đầu tháng 3/2025
- HĐND huyện Đông Hải: Tổ chức kỳ họp chuyên đề sắp xếp, thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện
- Nặng tình với bánh dân gian
- Bấp bênh nghề nhặt phế liệu