Nội dung cơ bản của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND gồm 10 chương và 98 điều quy định về nguyên tắc bầu cử; tuổi bầu cử; tuổi ứng cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử; dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bố ĐBQH, đại biểu HĐND; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; Hội đồng Bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; danh sách người ứng cử; tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu; việc kiểm phiếu, kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử, bầu cử thêm, bầu cử lại, bầu cử bổ sung, tổng kết bầu cử; xử lý vi phạm về bầu cử.
Tuyên truyền về quyền bầu cử của cử tri. Ảnh: K.K
Theo đó, nguyên tắc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp.
Tiêu chuẩn của ĐBQH phải trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Tiêu chuẩn của đại biểu HĐND phải trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
Nguyên tắc bỏ phiếu bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND thì mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu ĐBQH và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp theo quy định pháp luật; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử; nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác; khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri; mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.
ĐÌNH KIỆN
- Khai giảng khóa đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự
- Sở NN&PTNT làm việc với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn về tổ chức sự kiện Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Thành lập Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh Bạc Liêu
- Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Khắc phục tâm lý “ngủ đông” của công chức, viên chức
- Tái cơ cấu mô hình tăng trưởng cho cây lúa