Nội quy cao hơn pháp quy?

Thứ Hai, 31/12/2018 | 16:19

Câu chuyện pháp lý trong năm 2018 liên quan đến một trong những vấn đề khá nhạy cảm: quyền sử dụng hình ảnh cá nhân như thế nào cho đúng pháp luật? Và vấn đề này đã được vận dụng “mỗi nơi mỗi kiểu”, khiến cho những người làm báo cũng phải ngán ngẩm, nhất là trong không ít lần tác nghiệp ở các phiên tòa.
Tại một phiên tòa hình sự vào cuối năm 2018, trước khi mở phiên tòa xét xử, một bị cáo đã có đơn gửi chủ tọa phiên tòa, yêu cầu báo chí không được chụp ảnh, ghi hình của mình. Điều đáng nói là, vị chủ tọa này lại chấp nhận yêu cầu của bị cáo, ở phần mở đầu phiên tòa, đã đề nghị báo chí khi tác nghiệp không được mang máy chụp hình, máy ghi âm, máy quay phim vào phiên tòa, không được ghi hình ảnh bị cáo. Bên cạnh đó, chủ tọa phiên tòa cũng không đồng ý để báo chí ghi hình ảnh, quay phim hội đồng xét xử. Lý do được đưa ra là, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình theo quy định của Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 nên tòa phải bảo vệ?! Tòa cũng không muốn hình ảnh của mình bị xâm hại?

Các nhà báo tác nghiệp tại tòa. Ảnh: K.P

Vấn đề đặt ra là, quyền đối với hình ảnh của cá nhân được áp dụng ra sao trong trường hợp xét xử tại phiên tòa? Và nội quy của phiên tòa quy định, các nhà báo, cơ quan báo chí tác nghiệp tại tòa phải tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Vậy trong trường hợp, chủ tọa phiên tòa không đồng ý cho báo chí được ghi hình ảnh, thì nhà báo sẽ tác nghiệp như thế nào? Liệu có sự “chênh” nhau giữa quy định của các bộ luật? Trong trường hợp này chẳng lẽ nội quy phiên tòa cao hơn luật?
Tại phiên tòa của Tòa án nhân dân (TAND) TP. Bạc Liêu, nhiều nhà báo đã rất bức xúc khi bị hạn chế quyền tác nghiệp. Trong khi báo chí là “cầu nối” trong việc tuyên truyền pháp luật, là kênh thông tin quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với nhân dân. Đặc biệt, đối với các phiên tòa xét xử công khai, báo chí đã góp phần chuyển tải thông tin khách quan, đầy đủ đến với bạn đọc, qua đó vừa tuyên truyền vừa giáo dục pháp luật trong nhân dân. Ngoài ra, vai trò của báo chí còn thực hiện chức năng giám sát, chung tay cùng xã hội trong việc răn đe, đấu tranh, trấn áp, phòng ngừa đối với các loại tội phạm.
Ông Đỗ Đức Vĩnh, kiểm sát viên cao cấp Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Sự có mặt của báo chí là để tường thuật diễn biến phiên tòa nhưng cũng có phần thực hiện chức năng giám sát”. Tương tự, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho rằng: Tại phiên tòa, báo chí tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Nếu phóng viên đáp ứng đủ điều kiện để theo dõi phiên tòa thì được tác nghiệp bình thường, nghĩa là có thể chụp hình, ghi âm, ghi hình, đưa tin. 
Tại TAND tỉnh Bạc Liêu, việc tác nghiệp của báo chí cũng được tạo điều kiện tối đa. Tuy nhiên, dường như quy định này lại không được hướng dẫn thống nhất ở các tòa án cấp dưới, nên xảy ra tình trạng, vận dụng và áp dụng khá tùy tiện, thậm chí là không đúng tinh thần của pháp luật.
Liệu sự bất nhất trong việc quy định của từng chủ tọa phiên tòa, trong từng phiên xét xử công khai, có phải là rào cản hạn chế quyền tác nghiệp của phóng viên, nhà báo đã được luật định.
Kim Phượng

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.