NÓI TIẾP CÂU CHUYỆN QUẢN LÝ TIỀN CÔNG ĐỨC…
Trang 11, Báo Bạc Liêu thứ Năm, ngày 15/8/2024 có bài “Tăng cường quản lý nhà nước đối với tiền công đức: Người dân đồng tình ủng hộ” của tác giả Kim Kim. Người viết đồng tình với quan điểm của bài báo đó. Tuy nhiên, khi ngẫm lại câu chuyện quản lý tiền công đức, có cảm nhận rằng dường như vấn đề đang còn bỏ ngỏ...
Tiền công đức do bá tánh thập phương đóng góp cần được quản lý chặt chẽ. Ảnh mang tính chất minh họa: K.K
Theo quan điểm của người viết, việc quản lý tiền công đức đối với những di tích đã hình thành ban quản lý di tích, có vẻ như thuận lợi hơn, gắn với giám sát của chính quyền địa phương và công khai trước người dân. Song, đối với các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thì việc minh bạch hóa các khoản thu, chi tiền công đức khó khăn hơn. Không khái quát thành một vấn đề chung mang tính phổ quát, nhưng rõ ràng đã và đang tồn tại những “méo mó” trong việc quản lý tiền công đức ở những cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Những tồn tại “méo mó” ấy đang và sẽ còn tiếp tục tạo nên bức xúc trong xã hội và làm phiền lòng những bậc chân tu.
Không khó để tìm ra những cơ sở tín ngưỡng, tâm linh do doanh nghiệp hoặc cá nhân bỏ tiền ra để đầu tư. Đã có những nhóm lợi ích lợi dụng lòng tin của bá tánh thập phương và người dân địa phương để thu lợi cho mình. Ở Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV (tháng 6/2019) - câu chuyện về méo mó quản lý tiền công đức đã được xới lên. Khi đó, Nghị định 110 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đã được ban hành, song còn chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Năm 2023 - Thông tư 04 của Bộ Tài chính đã được ban hành, hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Song câu chuyện vẫn đang diễn ra theo chiều hướng mà gần cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ lại phải thực thi công tác quản lý nhà nước bằng một công điện yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa, ngăn chặn lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.
Câu chuyện ấy gợi lên một suy nghĩ: Nếu có thể được đề nghị một giải pháp, có lẽ đang cần đến những chế định chặt chẽ, phù hợp với tính chất nhạy cảm của quỹ công đức. Đi đôi với đó, cần phải phát huy hơn nữa vai trò và sự điều chỉnh của dư luận xã hội, tạo ra một áp lực xã hội đủ mạnh làm sao để tự những người trong cuộc nhận thức được những hành vi lệch chuẩn của mình để tự điều chỉnh (ví dụ như áp lực đối với sự việc của một Thượng tọa gắn với bằng Tiến sĩ đang ồn ào dư luận thời gian gần đây).
Ý thức của người tu hành sẽ quyết định tất cả. Luật pháp dù có chặt chẽ tới đâu mà ý thức không tốt thì cũng không thể phát huy tác dụng trong quản lý xã hội. Việc đóng góp tiền công đức là phát tâm thiện nguyện của bá tánh thập phương, thì bậc chân tu sẽ không sử dụng tiền ấy sai mục đích. Bản thân Luật Tín ngưỡng tôn giáo cũng đã có quy định không được lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi; mỗi cơ sở tôn giáo chắc chắn cũng có quy định về việc quản lý tiền công đức và giao việc quản lý đó cho các chức sắc đứng đầu. Nếu làm sai quy định đó cũng đồng nghĩa với việc phạm giới. Đã phạm giới thì không thể là một bậc chân tu.
Vấn đề ở đây là, chính quyền thực thi trách nhiệm quản lý nhà nước đối với vấn đề này như thế nào, để vừa đảm bảo tạo mọi thuận lợi cho cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thực hành đúng với hiến chương của Giáo hội, vừa đúng với quy định của pháp luật hiện hành, với mục tiêu cụ thể là sử dụng tiền công đức có hiệu quả trong việc tu bổ, sửa chữa cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tổ chức lễ hội, sự kiện liên quan, đồng thời việc thu - chi được công khai, minh bạch.
Nhã An
- Các khu, điểm du lịch đón khoảng 245.000 lượt khách trong dịp tết Nguyên đán
- Rộn ràng chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào xuân Ất Tỵ 2025
- Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc Tết các bệnh viện và Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh
- Mở cửa làm việc xuyên Tết, Công an Bạc Liêu phục vụ người dân làm Căn cước
- Bế mạc và trao giải các hội thi tại Hội xuân “Chợ quê ngày Tết”