Ô nhiễm tiếng ồn: Không thể bó tay!

Thứ Hai, 29/03/2021 | 16:30

Từ lâu rồi, tình trạng hát karaoke loa kẹo kéo đã bị nhiều người dân phản ứng, bởi âm thanh vượt ngưỡng khiến người ta “đau đầu nhức óc”. Nhất là ở các khu dân cư, với tình trạng đô thị hóa nhanh, môi trường không khí, môi trường sống đang ngày càng hẹp dần. Con người không mong muốn lại bị tra tấn bởi ô nhiễm tiếng ồn từ những thùng loa di động như thế.

>> Bài 1: Nỗi ám ảnh mang tên karaoke loa kẹo kéo

Bài cuối: Giải pháp nào cho xử lý ô nhiễm tiếng ồn?

Trước tình trạng karaoke loa kẹo kéo gây ô nhiễm tiếng ồn ở khu dân cư làm người dân bức xúc nhưng chưa được xử lý triệt để, mới đây, UBND tỉnh đã có cuộc họp bàn về vấn đề này. UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường phòng chống vi phạm tiếng ồn, giao trách nhiệm tham mưu cho các ngành, để UBND ban hành Quy chế quản lý đối với vấn nạn trên. Rõ ràng, chính quyền đã không ngó lơ và chuẩn bị vào cuộc quyết liệt. Đây cũng là tin vui cho người dân, đặc biệt với những khu dân cư trước nay thường xuyên bị tra tấn bởi karaoke loa kẹo kéo.

Minh họa. P.B.T

KIẾN NGHỊ XỬ LÝ VI PHẠM VỀ TIẾNG ỒN

Ô nhiễm tiếng ồn tại TP. Bạc Liêu chủ yếu từ các hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi có quy mô lớn như vũ trường, quán bar… Hoạt động từ quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất, cường độ âm thanh lớn. Hoạt động từ hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa kẹo kéo để ca hát vào các dịp lễ tang, cưới hỏi, sinh nhật, liên hoan. Hoạt động từ các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát quảng cáo ở các chợ, các điểm công cộng. Hậu quả ô nhiễm tiếng ồn gây ra không hề nhỏ, nhưng thực tiễn cho thấy, quy định của pháp luật cũng như các cơ quan chức năng đang khá coi nhẹ đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Điển hình là cho đến hiện nay, theo số liệu mà chúng tôi có được, chưa có trường hợp nào bị xử lý liên quan đến hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn do hát hò bằng các dàn âm thanh khủng.

Liên quan đến vấn nạn này tại các địa bàn dân cư, bà Đỗ Ái Lanh, Trưởng phòng VH-TT TP. Bạc Liêu, cho biết một phần do ý thức của một bộ phận người dân chưa tuân thủ quy định pháp luật; một phần do đặc điểm của loa thùng kéo di động, pháp luật chưa quy định cụ thể nên gặp khó trong xử lý. Khi đoàn kiểm tra đến thì những đối tượng vi phạm đối phó bằng cách giảm âm lượng, ngưng hát, sau đó đâu lại vào đấy. Một vấn đề khó khăn nữa, về quy chuẩn giới hạn tiếng ồn hiện không có quy định mức độ ồn nền để làm căn cứ xác định, cũng chưa có quy định về tần số ồn. Việc xử lý chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, nhắc nhở, vận động nên nhiều đối tượng không chuyển biến.

Phòng VH-TT TP. Bạc Liêu cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Công an thành phố tăng cường hướng dẫn các địa phương về nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn nói chung và tiếng ồn trong khu dân cư nói riêng.

NGƯỜI DÂN YÊU CẦU LẬP ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Karaoke loa di động hiện là nỗi ám ảnh của nhiều người. Cuộc sống bị đảo lộn, con cái học hành không được, người lớn không có không gian để nghỉ ngơi. Dù rất bức xúc, nhưng không phải người dân nào cũng biết sẽ gọi điện thoại đến nơi nào có thẩm quyền để họ kịp thời giải quyết. “Nhiều lần tôi gọi điện cho chính quyền phường, họ lắc đầu vì nói không thuộc thẩm quyền của phường. Gọi qua công an, kêu báo trưởng khóm, báo công an khu vực. Rồi phải tất tả chạy đi tìm ông trưởng khóm, mà ổng tới nói xong đi về, bọn kia còn hát to hơn. Cảnh sát khu vực thì đâu phải lúc nào cũng có mặt sẵn để giải quyết. Do đó, cái người dân cần là một số điện thoại kiểu như “đường dây nóng, để bà con có thể gọi trực tiếp vào phản ánh, và sẽ được xử lý ngay” - ông Lê Thanh Sang, một người dân trên địa bàn TP. Bạc Liêu cho ý kiến.

Để xử lý vấn nạn này, vấn đề quan trọng vẫn là nâng cao nhận thức cho người dân. Trước hết, các cấp chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi công dân trong từng khu dân cư, tổ dân phố vì một môi trường sống trong lành. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền như Sở VH-TT-TT&DL, Công an, chính quyền địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức như nhà hàng, quán karaoke, những người mua bán sử dụng loa gây tiếng ồn nếu vi phạm.

P.V

Ý kiến của các ngành chức năng về chấn chỉnh hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn

* Ông Phan Thanh Vũ - Chủ tịch UBND Phường 3: Phường không có thẩm quyền xử lý

Dù tình trạng hát karaoke tự phát tại nhà, ở các đám tiệc bằng loa thùng kẹo kéo gây bức xúc rất lớn trong Nhân dân, nhất là ở các khu dân cư, nhưng UBND phường không có thẩm quyền xử lý.

Chúng tôi chỉ nhắc nhở là chính, khi có người dân phản ứng, thì phường cho lực lượng xuống kiểm tra, nhắc nhở. Phường cũng đề nghị các đồng chí cảnh sát khu vực quán xuyến địa bàn, thường xuyên nhắc nhở bà con hạn chế việc hát hò vào những giờ nghỉ ngơi. Cũng có không ít trường hợp, chính quyền đến nơi thì họ giải tán, nghỉ hát, nhưng khi lực lượng về thì họ lại tiếp tục. Ở cơ sở cũng chưa được trang bị máy đo tiếng ồn, và UBND phường cũng không có thẩm quyền xử lý.

* Bà Đỗ Ái Lam - Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu: Sẽ thành lập tổ kiểm tra, xử lý

Để xử lý tình trạng sử dụng âm thanh quá mức cho phép, đặc biệt là tình trạng sử dụng loa kẹo kéo, karaoke tự phát tại các hộ kinh doanh, hộ gia đình, và một số điểm kinh doanh sử dụng loa phát quảng cáo vượt chuẩn, thời gian qua, thành phố Bạc Liêu cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng như Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với các ngành liên quan, UBND phường, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ kinh doanh chấp hành nghiêm việc sử dụng âm thanh không quá lớn, tránh gây ảnh hưởng đến mọi người.

Hướng tới, khi UBND tỉnh có chỉ đạo cụ thể liên quan đến tình trạng này, UBND thành phố dự kiến sẽ thành lập tổ công tác riêng để kiểm tra, xử lý đối với hành vi gây tiếng ồn. Tổ này sẽ được phân công nhiệm vụ rõ ràng, xây dựng kế hoạch cụ thể, được trang bị máy đo tiếng ồn, nếu phát hiện vi phạm là xử lý ngay. Song song đó, thành phố cũng chỉ đạo các địa phương, Phòng Văn hóa - Thông tin tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhắc nhở. Đối với các phường, xã, nâng cao vai trò trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, lực lượng công an phường trong kiểm tra, quản lý, nhắc nhở ngay khi có những phản ánh của người dân liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn, tại địa bàn mình quản lý.

* Ông Lữ Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường: Nên trang bị máy đo tiếng ồn cho các địa phương

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, hiện tại việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ chính những quy định pháp luật. Hơn nữa, hành vi này khá mới mẻ, ngay cả các cơ quan được giao trách nhiệm xử lý cũng lúng túng.

Thẩm quyền xử lý ô nhiễm tiếng ồn có trách nhiệm của ngành Tài nguyên - Môi trường, tuy nhiên, từ trước đến nay, Sở cũng chưa xử lý trường hợp nào vi phạm liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn từ hát karaoke bằng các loại thùng loa kẹo kéo di động. Một phần do trước giờ thanh tra, Sở chỉ xử lý với tiếng ồn từ những cơ sở, chưa xử lý trong các hộ dân. Người dân nếu có bức xúc liên quan đến những tiếng ồn do hát karaoke, thông thường chỉ điện thoại, phản ánh với chính quyền phường, xã hoặc cảnh sát khu vực nên Sở cũng không nắm được.

Việc ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư đang là vấn đề bức xúc, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định 155/2016 quy định về mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt. Nếu hành vi sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép thì có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Thẩm quyền xử phạt được quy định cho lực lượng công an, UBND cấp huyện, thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường. Để xử lý được vấn nạn này, đề nghị các địa phương nên trang bị máy đo tiếng ồn, nếu địa phương nào gặp khó, Sở có thể cho mượn máy, tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình huống. Còn về lâu dài, chúng ta nên trang bị máy đo tiếng ồn. Hiện tại giá máy cũng không quá mắc, các địa phương có thể chủ động trang bị, và khấu trừ lại từ việc xử phạt chính từ các hành vi vi phạm.

KIM KIM (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.