Phổ biến, giáo dục pháp luật: Bám sát cơ sở
Năm 2020, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp đẩy mạnh thực hiện, bám sát nhu cầu xã hội và từng bước đi vào chiều sâu. Hàng trăm lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật mới, hàng trăm ngàn tờ bướm, sổ tay kiến thức pháp luật, bản tin tư pháp được cung cấp đến đúng đối tượng.
Ảnh minh họa: K.K
Trong 5 năm qua, ngành Tư pháp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 6.000 đại biểu về các văn bản pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phát hành đều đặn Bản tin Tư pháp Bạc Liêu cho các sở, ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cấp xã, nhóm tiêu biểu của khóm, ấp trong tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã thực hiện được 424 kỳ tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới có liên quan đến quyền và lợi ích của công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; tư vấn pháp luật, trả lời thư bạn đọc trên chuyên trang Tư pháp của Báo Bạc Liêu và chuyên mục Đời sống và Pháp luật của Đài PT-TH tỉnh. Ngoài ra, nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật cho người dân, cán bộ, công chức, ngành Tư pháp cũng đã phát hành 254.895 tờ bướm, sổ tay pháp luật và sách pháp luật với nhiều nội dung tuyên truyền hữu ích…
Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp được kiện toàn, củng cố lực lượng báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và hòa giải viên tại các Tổ hòa giải ở cơ sở (HGƠCS). Trong đó, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về số lượng, chất lượng thực hiện công tác PBGDPL của các đối tượng này.
Song song đó, công tác HGƠCS ngày càng được hoàn thiện về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động HGƠCS phát triển bền vững. Tính đến nay, toàn tỉnh có 518 tổ hòa giải với 3.211 hòa giải viên được bố trí đều khắp các địa bàn khóm, ấp trong tỉnh. Các tổ HGƠCS đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác HGƠCS, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, giảm bớt các khiếu nại, tố cáo, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư. Kết quả trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đều đạt từ 80% trở lên.
Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm đến công tác HGƠCS từ chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, ngành Tư pháp cũng tập trung mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên, và công chức tư pháp của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Những kỹ năng nghiệp vụ, nguyên tắc hòa giải, các bước tiến hành hòa giải và các quy định của pháp luật đất đai liên quan đến công tác HGƠCS; các quy định của pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình; khiếu nại, tố cáo áp dụng trong hoạt động hòa giải được đầu tư chú trọng. Từ đó, những hiệu quả mà hoạt động PBGDPL mang lại thật sự giúp cho chính quyền cơ sở và người dân được hưởng lợi, có cái nhìn tích cực, đúng đắn hơn từ các hoạt động pháp lý.
Kim Kim