Phổ biến, giáo dục pháp luật bằng ứng dụng AI
Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án về chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Theo đó, chủ trương ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác PBGDPL.
Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh hỗ trợ pháp lý cho người dân và doanh nghiệp thông qua các phần mềm ứng dụng. Ảnh: K.K
Từ năm 2025, Chính phủ chủ trương ứng dụng AI trong công tác PBGDPL trong giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động PBGDPL phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó chuẩn hóa, xây dựng, cập nhật kho dữ liệu số PBGDPL dùng chung; nâng cấp, phát triển Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia thành địa chỉ tập trung, chủ đạo trong cung cấp thông tin pháp luật, PBGDPL cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, xây dựng, chuẩn hóa cấu trúc dữ liệu PBGDPL; cập nhật, quản lý thông tin, dữ liệu thường xuyên, định kỳ hoặc khi phát sinh vào kho dữ liệu số PBGDPL dùng chung; quản lý, vận hành kho dữ liệu số PBGDPL dùng chung; tái cấu trúc, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; nâng cấp, phát triển Phần mềm hỗ trợ pháp điển trên nền tảng công nghệ mới đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; xây dựng Ứng dụng Bộ pháp điển (App) dùng trên các thiết bị di động.
Bổ sung chức năng tiếp nhận câu hỏi về thông tin chính sách, pháp luật của người dân, doanh nghiệp, tự động phân loại và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải đáp. Bổ sung các tính năng trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, nhất là tính năng tương tác trực tuyến pháp luật như đối thoại trực tuyến, tọa đàm trực tuyến, hỏi đáp trực tuyến và các tính năng khác, bảo đảm tính thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của người dùng. Tiếp tục số hóa, làm giàu dữ liệu, phát triển các tính năng tiện ích, tối ưu hóa trải nghiệm, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm, truy cập, sử dụng tài liệu pháp luật một cách nhanh chóng, thuận tiện trên Tủ sách pháp luật điện tử của Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia.
Đối với việc ứng dụng AI trong công tác PBGDPL, hướng đến thí điểm xây dựng, triển khai ứng dụng AI trong cung cấp thông tin, phổ biến văn bản pháp luật mới ban hành; triển khai hệ thống hỏi đáp pháp luật tự động trong một số lĩnh vực và một số đối tượng cụ thể. Ưu tiên hỗ trợ các đối tượng đặc thù theo quy định của pháp luật, trong đó có tính năng hỗ trợ đa ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ của một số dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thông tin pháp luật cho mọi người dân. Tích hợp, khai thác phù hợp các ứng dụng AI hiện có của các bộ, cơ quan, tổ chức Trung ương, địa phương phục vụ việc tra cứu, tìm hiểu thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL nhằm tăng cường tính tương tác giữa Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Triển khai thông tin, PBGDPL trên ứng dụng mạng xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận, tương tác với người dân, doanh nghiệp; trên ứng dụng VNeID và các nền tảng số tại các bộ, cơ quan, tổ chức Trung ương, địa phương, mở rộng kênh tiếp cận thông tin pháp luật. Xây dựng, nâng cấp phần mềm thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật bảo đảm khả năng khai thác, dùng chung cho các bộ, cơ quan, tổ chức Trung ương, địa phương.
Kim Kim
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế