Phòng, chống mua bán người, bảo đảm an ninh con người
>>> Bài 2: Tan biến những giấc mơ đổi vận
Bài cuối: Chung tay vì một xã hội không có tội phạm mua bán người
Tội phạm mua bán người (MBN) có nguồn thu lợi bất chính cao chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. Đây là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất được Liên Hiệp Quốc xác định và đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”. Hậu quả MBN nghiêm trọng, dai dẳng, không chỉ ảnh hưởng riêng cá nhân, gia đình, mà còn đe dọa an ninh chính trị - xã hội. Do đó, việc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo tốt an ninh con người là mục tiêu, quyết tâm mà chúng ta đã và đang nỗ lực từng ngày.
Lực lượng chức năng giải cứu thành công nạn nhân MBN về cửa khẩu Mộc Bài.
ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG MBN
Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống MBN, các tội danh, tội phạm MBN được phát hiện, xử lý kịp thời, quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân ngày càng được bảo vệ. Hợp tác quốc tế về phòng, chống MBN cũng được tăng cường, góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật.
Bên cạnh mặt đạt được, tình hình MBN trên bình diện quốc tế và trong nước còn diễn biến phức tạp, ở một số địa phương có chiều hướng gia tăng. Ở một số nơi, việc chấp pháp chưa nghiêm, quá trình phát hiện, xử lý tội phạm, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng chưa đạt yêu cầu đề ra. Một trong những nguyên nhân được xác định là do các quy định pháp luật về phòng, chống MBN được ban hành trước đây không còn phù hợp với tình hình mới, một số quy định chưa tương thích với pháp luật quốc tế, đồng thời còn có sự thiếu thống nhất giữa Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống MBN đã gây khó khăn cho quá trình phát hiện, xử lý. Do đó, để nâng cao hiệu quả phòng, chống MBN trong tình hình hiện nay, việc sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống MBN, sửa đổi Luật Phòng, chống MBN, trong đó quy định cụ thể và nghiêm khắc các chế tài trừng trị tội phạm MBN là yêu cầu cấp bách.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, để công tác phòng, chống tội phạm MBN thời gian tới đạt hiệu quả tích cực, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh - Phạm Văn Thiều yêu cầu phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, toàn dân; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương và phát huy vai trò “nêu gương”, tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống MBN. Thực hiện đồng bộ giữa các giải pháp truyền thông, phòng chống tội phạm MBN với nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm; giáo dục cho mọi công dân thủ đoạn của bọn phạm tội MBN, hậu quả gây ra cho nạn nhân và xã hội, nâng cao cảnh giác, đề phòng và kịp thời phát hiện, tố giác hoạt động của bọn tội phạm với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Bảo vệ an toàn cho nạn nhân và gia đình, tổ chức tốt việc tái hòa nhập cộng đồng để nạn nhân sớm có cuộc sống mới. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các công ước, văn kiện quốc tế liên quan để hỗ trợ nhau trong việc chặt đứt chiếc vòi “bạch tuộc” của tội phạm MBN.
Trực tiếp đấu tranh, phòng chống tội phạm MBN, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh tập trung nắm chắc tình hình, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, đối tượng có tiền án, tiền sự về tội danh MBN để chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Chủ động nắm tình hình trên không gian mạng và các đường dây, băng nhóm hoạt động MBN; tiếp nhận kịp thời tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan MBN để điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân.
“Công an tỉnh rà soát số phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương không rõ lý do, nghi bị mua bán và số nạn nhân trở về địa phương để tập trung xác minh làm rõ, kịp thời xác lập chuyên án đấu tranh. Phối hợp rà soát các nhóm đối tượng có nguy cơ cao trong độ tuổi lao động nhưng không có cơ hội có việc làm tại địa phương hoặc hoàn cảnh gia đình trắc trở... dễ bị các đối tượng MBN lừa gạt nhằm tham mưu các biện pháp phòng ngừa. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động MBN; phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm MBN đến khóm, ấp, gia đình, nhà trường… Phát động phong trào, động viên nạn nhân và gia đình nạn nhân tố giác tội phạm cũng như chú trọng quản lý người nước ngoài, quản lý xuất nhập cảnh…”, Thượng tá Lê Thanh Hận - Phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) chia sẻ về các biện pháp phòng, chống tội phạm MBN.
Khởi công xây dựng nhà ở cho gia đình một nạn nhân MBN. Ảnh: H.Q
LẤY NẠN NHÂN LÀM TRUNG TÂM
Phòng, chống MBN là một trong những vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, được Việt Nam chú trọng nhằm bảo đảm tốt an ninh con người. Do đó, phòng, chống tội phạm MBN phải là một nội dung căn bản của công tác phòng, chống tội phạm và lồng ghép vào trong các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong giải quyết những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội như hỗ trợ việc làm, giảm nghèo… Cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần xác định công tác phòng, chống tội phạm MBN là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, kiên trì, rộng khắp.
Một cán bộ có thâm niên trong công tác hỗ trợ nạn nhân, trăn trở: Một hiện thực là trong khi hàng trăm phụ nữ bị dụ dỗ bán sang nước ngoài nhưng chỉ một vài trường hợp may mắn có chồng chân chính, thỉnh thoảng gửi tiền về giúp đỡ cha mẹ. Sang bên kia biên giới, phụ nữ chỉ là công cụ để bọn tội phạm mưu cầu lợi ích. Bi kịch ngày trở về của các nạn nhân có vai trò của gia đình, người thân nạn nhân, rộng hơn là tình chòm xóm cho đến sự quản lý, phòng ngừa của chính quyền sở tại, lực lượng chức năng. Hơn hết là sự nhận thức đúng đắn vấn đề, hiểu được giá trị bản thân, không dễ dãi, mơ hồ để trở thành nạn nhân của bọn tội phạm.
“Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (đường dây nóng 111), đồng thời là đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân MBN. Trong phòng, chống MBN, cần xác định rõ tầm quan trọng của việc lấy nạn nhân làm trung tâm, lắng nghe, thấu hiểu nạn nhân, từ đó đưa ra những biện pháp có giá trị phòng ngừa tội phạm cũng như để xác định, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng”, ông Nguyễn Vũ Phong - Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH), Đội trưởng đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh, nêu ý kiến.
Phòng, chống tội phạm MBN là nhiệm vụ khó khăn phức tạp, trong xu thế tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực ngày càng gia tăng, đặc biệt bối cảnh dịch COVID-19 và hậu COVID-19, khi tình hình kinh tế có những thay đổi như lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng... làm tăng tính dễ bị tổn thương trong một số nhóm dân số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, công nghệ và không gian mạng cũng sẽ là nơi tội phạm MBN tìm kiếm “con mồi”. Điều này đòi hỏi các lực lượng chức năng cần tiếp tục nỗ lực để phát hiện, xử lý và đón đầu xu hướng MBN trong thời gian tới, nhất là tội phạm MBN sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.
HẢI QUYÊN
“Bạc Liêu có sự quan tâm và hỗ trợ khá hiệu quả đối với nạn nhân MBN. Ít có địa phương nào trên cả nước mà 100% xã, phường, thị trấn xây dựng được Đội công tác xã hội tình nguyện (64 đội) phủ khắp như tỉnh. Đây sẽ là những “cánh tay nối dài” phục vụ đắc lực công tác phòng, chống MBN”, Nguyễn Thị Mai Anh - Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá.