Quy định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động
Ngày 17/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 12 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/1/2022 và thay thế Nghị định số 28/2020/NĐ-CP.
Theo quy định mới, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp sẽ được bảo vệ tốt các quyền lợi. Ảnh: K.P
Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì bị xử phạt theo hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại Điều 3 và bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 của Nghị định này.
Cụ thể, hành vi vi phạm trong giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) sẽ bị phạt tiền như sau:
Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: giao kết HĐLĐ không bằng văn bản với NLĐ làm công việc có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên; giao kết HĐLĐ không bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm NLĐ từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động; giao kết không đúng loại HĐLĐ với NLĐ; giao kết HĐLĐ không đầy đủ các nội dung chủ yếu của HĐLĐ theo quy định của pháp luật với mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất là 25 triệu đồng tùy theo số lượng NLĐ có HĐLĐ bị vi phạm.
Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của NLĐ khi giao kết hoặc thực hiện HĐLĐ.
Đối với hành vi vi phạm quy định về trả lương cho NLĐ, Nghị định quy định phạt tiền từ 5 - 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho NLĐ theo thỏa thuận trong HĐLĐ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho NLĐ theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ; ép buộc NLĐ chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của NLĐ không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho NLĐ khi tạm thời chuyển NLĐ sang làm công việc khác so với HĐLĐ hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của NLĐ trong những ngày chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm khi NLĐ thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho NLĐ trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho NLĐ cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp NLĐ không bị xử lý kỷ luật lao động.
Phạt tiền từ 20 - 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
KHÁNH NGÂN
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng
- Ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan đầu năm mới