Quy định về thành lập tổ chức hành chính

Thứ Tư, 05/12/2018 | 16:34

Ngày 22/11/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 158/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính và có hiệu lực từ ngày 10/1/2019. Nghị định này quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính.

Đối tượng áp dụng là các tổ chức hành chính do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và trực tiếp chỉ đạo, quản lý; các tổ chức hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ; các tổ chức hành chính của cơ quan thuộc Chính phủ (nếu có); các tổ chức hành chính ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức hành chính ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc thành lập, tổ chức lại tổ chức hành chính phải bảo đảm không vượt khung số lượng tổ chức theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc quy định của cấp có thẩm quyền. Tổ chức hành chính muốn được thành lập phải đáp ứng điều kiện: Có cơ sở pháp lý; đáp ứng các tiêu chí thành lập theo quy định của pháp luật; có phạm vi, đối tượng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực hoặc lĩnh vực quản lý nội bộ của tổ chức hành chính; có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức hành chính khác; loại hình và quy mô tổ chức hành chính được thành lập phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức và yêu cầu cải cách hành chính nhà nước.

Sở Tư pháp tập huấn, triển khai các văn bản pháp luật. Ảnh: Trần Sơn

Trường hợp tổ chức hành chính có sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, phạm vi, đối tượng quản lý theo quy định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền hoặc hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền quản lý thì tổ chức hành chính sẽ được tổ chức (sắp xếp, kiện toàn) lại các tổ chức hành chính dưới các hình thức: Chia tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ để hình thành tổ chức hành chính mới. Việc tổ chức lại để hình thành tổ chức hành chính mới phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện giống như thành lập tổ chức hành chính mới.
Cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập tổ chức hành chính gửi 1 bộ hồ sơ thành lập tổ chức hành chính đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để thẩm định. Đối với các cơ quan có liên quan để phối hợp hoặc để biết thì chỉ ghi tên các cơ quan đó vào mục nơi nhận của văn bản hoặc tờ trình đề nghị thành lập. Đối với cấp tỉnh, cấp huyện thì cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện là cơ quan thẩm định đối với các tổ chức hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Theo Nghị định số 158/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (gọi tắt là Sở). UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính là văn phòng, thanh tra, phòng chuyên môn, nghiệp vụ, chi cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của Sở; phòng thuộc cơ cấu tổ chức của chi cục thuộc Sở và các tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh. 
NGÂN KHÁNH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.