Quy định về xây dựng và tổ chức hoạt động trạm cân đối chứng tại các chợ
Ngày 18/1/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND quy định xây dựng và tổ chức hoạt động trạm cân đối chứng tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 28/1/2021.
Các điểm chợ cần phải được bố trí cân đối chứng. Ảnh: K.K
Quyết định này quy định việc xây dựng và tổ chức hoạt động của trạm cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại đã được quy hoạch trong phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh. Các chợ tạm, chợ không ổn định và chợ không thuộc quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định.
Mục đích xây dựng trạm cân đối chứng là phục vụ nhu cầu đối chứng của Nhân dân nhằm đấu tranh phòng, chống gian lận trong thương mại bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo đo lường được thống nhất, chính xác. Tăng cường tiềm lực kỹ thuật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường tại địa phương, phục vụ hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường.
Theo đó, tùy theo quy mô của chợ, trung tâm thương mại sẽ được xây dựng một, hoặc một số trạm cân đối chứng nhưng phải đảm bảo trang thiết bị đầy đủ theo quy định. Trạm cân đối chứng được trang bị một hoặc nhiều cân có phạm vi đo khác nhau, trang bị một hoặc nhiều loại quả cân và các trang thiết bị cần thiết đảm bảo yêu cầu cân đối chứng các loại hàng hóa trong giao dịch thương mại bán lẻ tại chợ, trung tâm thương mại.
Trạm cân đối chứng hoạt động theo phương thức tự phục vụ: Người tiêu dùng khi có nhu cầu cân đối chứng, tự mình cân kiểm tra tại trạm cân đối chứng, khi có sai lệch về định lượng hàng hóa, các bên tự thỏa thuận giải quyết với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, các bên có quyền đề nghị Ban Quản lý chợ, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; không thu phí đối chứng của tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng; phục vụ nhu cầu đối chứng của tổ chức, cá nhân trong mua bán, trao đổi để xác định sai số đo lường của hàng hóa.
Phương tiện đo tại các trạm cân đối chứng (cân, quả cân) là cơ sở pháp lý để xác định sai số của việc đo lường hàng hóa, đảm bảo chính xác, phạm vi đo phù hợp và được kiểm định theo quy định của pháp luật. Phải có bản nội quy hoạt động trạm cân đối chứng, bảng hướng dẫn sử dụng cân, quả cân đối chứng và bảng quy định về phạm vi cân, lượng thiếu cho phép theo quy định và đặt tại vị trí thuận tiện để tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng biết, so sánh kết quả lượng hàng hóa qua việc sử dụng cân đối chứng.
Trạm cân đối chứng phải được duy trì và hoạt động theo đúng thời gian quy định hoạt động của chợ, trung tâm thương mại. Người trực tiếp vận hành trạm cân đối chứng là nhân viên thuộc Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ và chịu sự quản lý trực tiếp của các tổ chức này. Phải được đào tạo và có giấy chứng nhận về chuyên môn, nghiệp vụ đo lường nhằm đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Có trách nhiệm ghi lại kết quả, số liệu chi tiết liên quan đến các hành vi gian lận trong đo lường của người bán và báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý đối với từng loại chợ để làm cơ sở xử lý hành vi vi phạm đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, mọi người tiêu dùng đều có quyền, nghĩa vụ sử dụng, bảo vệ trạm cân đối chứng nhằm kiểm tra, giám sát đo lường và đấu tranh phòng, chống gian lận về đo lường trong hoạt động thương mại bán lẻ để tự bảo vệ quyền lợi của mình, góp phần đảm bảo công bằng, văn minh thương mại.
THÁI HỌC
- Sở LĐ-TB&XH: Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2025
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng