Quy định về xuất xứ hàng hóa
Cách đây mấy hôm, tôi được một bạn đọc trực tiếp liên hệ hỏi thăm về việc lô hàng chị mua về bị ngành Quản lý thị trường kiểm tra, tạm giữ chờ xử lý. Bạn đọc này cho biết, hàng hóa mua từ một nhà cung cấp ở TP. Hồ Chí Minh, có hóa đơn bán hàng đàng hoàng, vì sao lại bị giữ lại để kiểm tra xuất xứ hàng hóa. Việc giữ lại như thế có đúng quy định hay không?
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều mặt hàng kinh doanh, tuy nhiên không phải mặt hàng nào cũng có nhãn mác rõ ràng. Các mặt hàng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hay hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng nhiều. Nhất là trong dịp tết, hàng hóa là công nghệ thực phẩm tràn lan, khiến người tiêu dùng hết sức lo ngại.
Hành vi này ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm giảm niềm tin đối với thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất. Pháp luật hiện hành không có khái niệm cụ thể về “hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ”. Nhưng vấn đề xuất xứ hàng hóa được quy định trong Luật Thương mại, Nghị định số 31/2018, qua đó có thể hiểu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là hàng hóa không xác định được nguồn gốc của nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện các công đoạn chế biến, sản xuất cuối cùng đối với hàng hóa có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa.
Kiểm tra hóa đơn chứng từ xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Ảnh: K.K
Pháp luật quy định các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu và phân phối thương mại sản phẩm thì phải có các chứng từ, hóa đơn chứng minh hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì sản phẩm cũng phải ghi nhận các thông tin đầy đủ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Do đó, trường hợp kinh doanh hàng hóa mà khi có kiểm tra, đơn vị không xuất được các chứng từ, hóa đơn chứng minh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính với nhiều mức phạt khác nhau. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền cấp, nếu không có giấy thì bị coi là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đối với các loại hàng hóa không thuộc trường hợp phải đăng ký cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, sử dụng các tiêu chí xác định nguồn gốc hàng hóa mà không thể phát hiện ra nguồn gốc của hàng hóa sẽ bị coi là hàng không rõ xuất xứ.
Trong trường hợp của bạn đọc thắc mắc, việc quản lý thị trường tạm giữ hàng hóa là để yêu cầu bên bán hàng cung cấp các hóa đơn chứng từ để chứng minh hàng hóa. Căn cứ xác định gồm nhãn, bao bì, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan; giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp nhất định, hóa đơn bán hàng chưa đủ để chứng minh xuất xứ hàng hóa thì cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền yêu cầu cung cấp thêm các tài liệu, chứng từ khác liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Những quy định này cũng chính là để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo để người tiêu dùng được cung cấp, sử dụng hàng hóa một cách rõ ràng, an toàn. Hàng hóa vi phạm, ngoài bị xử phạt còn có thể bị tịch thu, tiêu hủy.
KIM KIM
- Ngành Tư pháp Bạc Liêu: Hoạt động đổi mới, hiệu quả
- Mức xử phạt nồng độ cồn trong năm 2025
- Phân cấp UBND tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường từ ngày 6/1/2025
- Toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo đang cất giữ
- Tổ đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri huyện Phước Long và huyện Đông Hải