Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Hàng quán lề đường chịu sự điều chỉnh của Nghị định 115/2018/NĐ-CP. Ảnh: K.P
Các vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm bao gồm: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Đó là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 1 - 6 tháng, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 1 - 24 tháng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 - 12 tháng.
Đặc biệt, trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh. Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến. Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập. Người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Đối với thức ăn đường phố, phạt tiền từ 0,5 - 1 triệu đồng do vi phạm không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn. Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng khi sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố. Sử dụng phụ gia thực phẩm được san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn. Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.
K.K