Quyền con người trong Tuyên ngôn Độc lập và các đạo luật

Thứ Sáu, 30/08/2024 | 15:47

Cứ đến dịp Quốc khánh 2/9, người dân Việt Nam lại nhớ về một sự kiện đặc biệt, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đó không chỉ thể hiện tuyên ngôn độc lập của nước ta, mà còn thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân quyền, là kim chỉ nam cho hoạt động lập pháp của Nhà nước đến ngày hôm nay.

Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Bạc Liêu làm lễ báo công dâng Bác tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: K.K

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ QUYỀN CON NGƯỜI

Trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, quyền con người nói chung, quyền công dân nói riêng và quyền tự quyết của mỗi dân tộc chỉ có thể được thực thi khi đất nước độc lập, tự do, khi người dân làm chủ đất nước. Nhưng để có được độc lập, tự do đó, người dân Việt Nam sẵn sàng đấu tranh để giành lấy và kiên cường giữ vững nền độc lập ấy. Giữ vững nền độc lập cũng chính là để đảm bảo cho quyền con người, quyền tự do của mỗi người dân Việt Nam được thực thi.

Đó cũng là cương lĩnh chính trị được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do chính Bác viết, dựa trên điều kiện cụ thể của đất nước và kế thừa có chọn lọc những nội dung hợp lý của tư tưởng nhân quyền hiện đại, tiến bộ của nhân loại, vận dụng sáng tạo tư tưởng giải phóng con người, giải phóng xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin. Với Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền cơ bản của con người và tuyên bố về quyền của dân tộc Việt Nam - với tư cách là một quốc gia độc lập trong cộng đồng các dân tộc trên thế giới; đồng thời cho thấy các quyền cơ bản của con người và quyền công dân sẽ được thực thi tại một nước Việt Nam độc lập.

CÁC ĐẠO LUẬT THÚC ĐẨY QUYỀN CÔNG DÂN

Sau Tuyên ngôn Độc lập, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách phải thực thi; trong đó có nhiệm vụ xây dựng và ban hành Hiến pháp dân chủ để chế định quyền công dân. Trước nhất là quyền bầu cử, với đợt Tổng tuyển cử lớn nhất từ trước đến nay để bầu Quốc hội. Sắc lệnh thời điểm đó quy định, tất cả công dân trai gái đủ 18 tuổi trở lên đều được quyền ứng cử và bầu cử theo luật định không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo và giống nòi, thể hiện rõ sự hiện thực hóa quyền con người, quyền công dân tại nước Việt Nam độc lập.

Năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước ta ra đời. Từ đó cho đến Hiến pháp năm 2013, quyền con người và quyền công dân luôn được đề cao và ngày một hoàn thiện. Cụ thể, Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội khóa I thông qua ngày 9/11/1946 đã nêu rõ, nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo; ghi nhận quyền con người, quyền công dân, xác lập địa vị pháp lý của người dân/công dân Việt Nam, khẳng định quyền và nghĩa vụ công dân trong thực thi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Hiến pháp đã tuyên bố với thế giới rằng, người dân/công dân Việt Nam đã có và sẽ được thụ hưởng quyền con người, quyền công dân mà Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập.

Ngày nay, để thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã gia nhập, ký kết và thực thi các công ước quốc tế về quyền con người. Song song đó, Việt Nam cũng đã bổ sung, sửa đổi và ban hành nhiều văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Việc bảo đảm, thúc đẩy các quyền công dân gắn với quyền con người theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng và tinh thần của Hiến pháp 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.