Sách giáo khoa là một trong những vấn đề cử tri quan tâm
Tại các buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh nhận được kiến nghị của cử tri xem xét cho học sinh cả nước thống nhất chỉ học chung một bộ sách giáo khoa (SGK) cho mỗi cấp học, tạo điều kiện cho việc tái sử dụng, tiết kiệm chi phí; tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu SGK, gây tốn kém, lãng phí, tăng gánh nặng cho phụ huynh. Đi đôi với đó là góp phần khắc phục tình trạng tiêu cực trong xuất bản SGK.
Một trong những bộ sách giáo khoa được chọn để dạy học tại Bạc Liêu. Ảnh: K.P
Sẽ có đánh giá, nghiên cứu báo cáo Quốc hội về SGK trên toàn quốc
Vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết, liên quan đến thống nhất sử dụng chung một bộ SGK, Nghị quyết 88, ngày 28/11/2014 của Quốc hội quy định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”. Đây là chủ trương có tính đột phá, thay đổi việc xuất bản SGK theo cơ chế độc quyền, đồng thời xã hội hóa SGK tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức có khả năng, điều kiện tham gia vào việc biên soạn, xuất bản, tạo ra sự cạnh tranh, tạo động lực cho các nhóm tác giả sách, các nhà xuất bản có được những bộ sách có chất lượng tốt. Bộ Chính trị đã có Kết luận 91, ngày 12/8/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong đó nêu rõ nhiệm vụ “Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới… Thực hiện một chương trình GDPT thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số SGK và xã hội hóa việc biên soạn SGK”.
Hiện nay, Chương trình GDPT 2018 đã được thực hiện đến lớp 5 đối với cấp tiểu học, đến lớp 9 đối với cấp trung học cơ sở và lớp 12 đối với cấp trung học phổ thông, công tác xã hội hóa SGK đạt kết quả tốt, các môn học và hoạt động giáo dục đều có từ 3 - 9 bộ SGK, giáo viên và học sinh có cơ hội được lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện dạy và học của cơ sở GDPT để tổ chức dạy học. Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 và SGK đến nay đã bước sang năm thứ 5, các địa phương, cơ sở giáo dục đánh giá cao Chương trình GDPT 2018 và triển khai thực hiện dần đi vào ổn định, nâng cao chất lượng. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tổng kết việc biên soạn SGK, trong đó sẽ đánh giá cụ thể việc xã hội hóa SGK, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ, Quốc hội về sự cần thiết ban hành thống nhất, đồng bộ SGK trên toàn quốc.
Công khai, minh bạch trong lựa chọn SGK
Đối với việc xuất bản SGK, trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GD-ĐT đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức việc lựa chọn, cung ứng SGK triển khai chương trình mới theo đúng lộ trình. Trong đó, đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở GDPT tổ chức đề xuất lựa chọn SGK theo quy định tại Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học tại cơ sở giáo dục, có báo cáo về việc lựa chọn SGK của cơ sở GDPT kèm theo danh mục SGK đề xuất lựa chọn gửi Hội đồng lựa chọn SGK xem xét, lựa chọn. Hội đồng lựa chọn SGK bảo đảm công tâm, khách quan, minh bạch, tôn trọng ý kiến đề xuất của các cơ sở GDPT; tổ chức họp, nghiên cứu, thảo luận, báo cáo về việc lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT, đặc biệt lưu ý đối với các SGK có nhiều cơ sở GDPT đề xuất lựa chọn trước khi tổ chức bỏ phiếu kín lựa chọn SGK.
Đối với giá SGK, Bộ GD-ĐT đã có nhiều giải pháp nhằm giảm giá thành SGK như: ban hành văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí để giảm giá SGK; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cung cấp SGK cho các học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội; học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; học sinh hộ nghèo, cận nghèo để các em học sinh có đủ SGK đến trường. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác xã hội hóa SGK. Trong giai đoạn 2020 - 2024, Bộ GD-ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra việc triển khai nhiệm vụ đầu năm học đối với các Sở GD-ĐT, trong đó có các nội dung liên quan đến công tác xã hội hóa SGK. Bộ GD-ĐT đã tiến hành 10 cuộc thanh tra, 36 cuộc kiểm tra theo kế hoạch và 3 cuộc thanh tra đột xuất tại 6 tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và việc lựa chọn SGK tại các địa phương.
Kim Phượng (thực hiện)