Sức ảnh hưởng to lớn của Bản Tuyên ngôn độc lập với Hiến pháp nước ta
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn dân và toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuyên ngôn độc lập là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó còn là nền tảng để xây dựng và hình thành các bản Hiến pháp của nước ta.
Các bản Hiến pháp của nước Việt Nam qua các giai đoạn từ năm 1946 đến nay.
Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén, chứa đựng những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững chắc, khẳng định chủ quyền quốc gia và giá trị về quyền con người của người dân một quốc gia độc lập - phản ánh đầy đủ, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và quan điểm nhân sinh của lãnh tụ Hồ Chí Minh, thể hiện trí tuệ sắc sảo, tư duy lỗi lạc của Người.
Ngay sau khi giành được chính quyền và sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 34, ngày 20/9/1945, lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa gồm 7 đồng chí, do Người làm Trưởng ban. Trong nhiều phiên họp của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị đưa quan điểm “lấy dân làm gốc” vào bản Hiến pháp. Nhiều tư tưởng vĩ đại trong Tuyên ngôn độc lập đã được quán triệt sâu sắc trong các bản Hiến pháp của nước ta, mà khởi đầu là bản Hiến pháp năm 1946.
Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyền độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả mọi người đều có quyền”. Đây là cơ sở, là nền tảng đầu tiên để Hiến pháp ghi nhận các quyền về chủ quyền, độc lập và các quyền về con người, đặc biệt là vấn đề nhân quyền. Quyền độc lập dân tộc, quyền căn bản nhất của một quốc gia đã được thể hiện trong các Hiến pháp, là sự kết tinh tinh thần độc lập và tự quyết dân tộc, toàn bộ thể chế chính trị và luật pháp, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân… tất thảy đều do Nhân dân Việt Nam tự định ra và tổ chức thực hiện, mà không được có sự can thiệp hay sự áp đặt của bất cứ quốc gia hay thế lực nào.
Khi soạn thảo và ban hành Hiến pháp năm 1946, Bác nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Tuyên ngôn độc lập đã tạo ra cơ sở pháp lý cho sự ra đời của Hiến pháp 1946 - Hiến pháp của Nhà nước dân chủ, là cơ sở nền tảng pháp lý của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân cho đến ngày nay.
Dù qua nhiều lần thay đổi, từ Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) và bản Hiến pháp đang có hiệu lực là bản Hiến pháp năm 2013. Mỗi bản Hiến pháp đều gắn liền với một giai đoạn phát triển của lịch sử cách mạng dân tộc, nhưng tất cả các bản Hiến pháp đều quán triệt sâu sắc tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Bản Tuyên ngôn độc lập.
K.K (tổng hợp)
- Ngân hàng BIDV chi nhánh Bạc Liêu: Mang tết đến với 500 hộ dân bị thiệt hại do thiên tai
- Huyện Hồng Dân: Tặng 135 suất quà tết cho hộ nghèo, cận nghèo
- Lãnh đạo tỉnh thăm gia đình thanh niên chuẩn bị nhập ngũ
- Báo Bạc Liêu triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tổng kết Tết Quân - dân năm 2025 tại xã Định Thành