Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân
Bạc Liêu đang triển khai Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật (TCPL) của người dân”. TCPL không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Tiếp cận pháp luật không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân. Ảnh minh họa: K.K
Để người dân chủ động TCPL
Theo Đề án, để người dân TCPL, cần khảo sát, đánh giá nhu cầu, thực trạng thực hiện, sử dụng pháp luật của người dân; nghiên cứu, xây dựng, triển khai các mô hình, hình thức TCPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Cung cấp, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng tìm hiểu, khai thác pháp luật bằng các hình thức phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong sinh hoạt cộng đồng. Quán triệt, thông tin, truyền thông thường xuyên, liên tục bằng các hình thức phù hợp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội. Xây dựng, củng cố, duy trì hoạt động có hiệu quả đường dây nóng và các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh, giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đại diện của đối tượng đặc thù thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hội viên, thành viên của tổ chức mình. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp mới nhằm nâng cao khả năng TCPL, hỗ trợ thông tin pháp luật, PBGDPL phù hợp với từng đối tượng. Tổ chức bình chọn, tôn vinh, khen thưởng công dân gương mẫu, người tốt, việc tốt trong xây dựng, bảo vệ, thực hiện pháp luật; thu hút, biểu dương các sáng kiến hữu ích trong hỗ trợ TCPL và nâng cao năng lực TCPL của người dân.
Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả TCPL từ các cơ quan nhà nước
Đề án “Tăng cường năng lực TCPL của người dân” được Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tư pháp làm chủ công; nghiên cứu, tham khảo, học tập kinh nghiệm các địa phương khác để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tăng cường năng lực TCPL của người dân.
Theo đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân TCPL, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Mở rộng mạng lưới các cơ quan, tổ chức hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật và tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước trong hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phạm vi, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án “Tăng cường năng lực TCPL của người dân” không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Kim Kim