Tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em
Thời gian qua, hàng chục vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) và xâm hại trẻ em (XHTE) được phát hiện trên địa bàn tỉnh. Các vụ việc này đã gây ra những tác động, ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình và trật tự an toàn xã hội.
Tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em tại phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.H
GIẢM SỐ VỤ BLGĐ VÀ XHTE
Những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho hội viên phụ nữ về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật trẻ em. Tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình. Phối hợp với ngành Tư pháp, Công an và chính quyền địa phương tổ chức các buổi tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, cấp phát bản tin tư pháp; thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại thuộc thẩm quyền, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của hội viên, phụ nữ tại cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, còn tổ chức nói chuyện chuyên đề “Nâng cao kiến thức phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” cho học sinh tại các trường học. Vận động các gia đình nâng cao ý thức cảnh giác, tố giác các hành vi BLGĐ và XHTE. Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội, hội viên và quần chúng phụ nữ trong việc phòng ngừa XHTE, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống BLGĐ trên phạm vi toàn tỉnh.
Cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, các cấp Hội Phụ nữ còn xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) thiết thực như: Cha mẹ nuôi dạy con tốt; Nữ phòng, chống tội phạm, phòng, chống BLGĐ; Địa chỉ tin cậy cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 200 mô hình với hơn 2.000 thành viên tham gia; 640 địa chỉ tin cậy, 8 ngôi nhà tạm lánh. Thành viên mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng đã kịp thời hướng dẫn cho nhiều trường hợp trẻ em, phụ nữ, đối tượng yếu thế bị bạo hành, xâm hại; tư vấn, giải quyết các mâu thuẫn, bất hòa trong hôn nhân gia đình; trợ giúp nạn nhân bị bạo hành có nơi tạm lánh và đề xuất can thiệp bằng nghiệp vụ, pháp lý cho các đối tượng. Thông qua hoạt động, các cấp Hội Phụ nữ cũng nắm được tâm tư, nguyện vọng của chị em để kịp thời chia sẻ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần. Đặc biệt đã góp phần cùng với tỉnh nhà giảm số vụ bạo lực, xâm hại từ 22 vụ ở năm 2022 xuống còn 17 vụ vào cuối năm 2023.
CHỦ ĐỘNG NẮM, PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC
Để công tác phòng, chống BLGĐ và XHTE được thực hiện có hiệu quả hơn, thời gian tới Hội LHPN tỉnh tiếp tục xây dựng và duy trì có hiệu quả các mô hình Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, nhà tạm lánh; CLB không BLGĐ, CLB phòng, chống BLGĐ, CLB trợ giúp pháp lý... Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ, XHTE; tổ chức tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên về nội dung cơ bản của các luật có liên quan; mở rộng tuyên truyền về bình đẳng giới, về quyền của trẻ em thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, sinh hoạt CLB... cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân.
Đồng thời, Hội LHPN tỉnh cũng chỉ đạo các cấp Hội thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không - 3 sạch”, trong đó chú trọng về tiêu chí gia đình không có bạo lực (bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục). Phối hợp thực hiện tư vấn hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại và can thiệp, bảo vệ giúp nạn nhân bị BLGĐ ổn định cuộc sống.
Mặt khác, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Tư pháp, Công an trong công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình và tham gia giải quyết các vụ BLGĐ và XHTE xảy ra trên địa bàn. Nắm tình hình các gia đình tại địa bàn thông qua hoạt động của tổ chức Hội Phụ nữ và công tác quản lý nhân khẩu của chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện dấu hiệu, nguy cơ BLGĐ, XHTE để tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời.
ĐÌNH HẢI