Tạo cú hích để phát triển ĐBSCL
Tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần này, trong nhiều vấn đề được Quốc hội thảo luận, có 2 vấn đề liên quan trực tiếp đến sự phát triển chung trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đó là chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 và Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.
Các ĐBQH thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Bạc Liêu. Ảnh: K.K
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Huy Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu), cho biết cả 2 dự thảo đều có tầm ảnh hưởng đặc biệt đối với người dân của khu vực ĐBSCL. Đối với Dự án đường cao tốc Bắc Nam, đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống hành lang vận tải của nước ta. UBND tỉnh Bạc Liêu trước đó đã có văn bản thống nhất phương án 4, tuy nhiên cho đến hiện tại, phương án được chọn là phương án 3. Nếu theo phương án này, tỉnh Bạc Liêu không tiếp cận được nhiều, mức độ kết nối thấp. Như vậy, cùng với tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu thì đến năm 2030, tỉnh Bạc Liêu là tỉnh duy nhất của vùng ĐBSCL không kết nối được với đường cao tốc. Bên cạnh đó, các điểm giao cắt khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau chưa được xem xét đầu tư trong giai đoạn 1 để kết nối với một số tuyến đường của tỉnh Bạc Liêu. Do đó, hướng tuyến này không tiếp cận được với các trung tâm đô thị của tỉnh Bạc Liêu như TP. Bạc Liêu, TX. Giá Rai, thị trấn Phước Long (huyện Phước Long).
ĐBQH Nguyễn Huy Thái đề nghị, trong trường hợp vẫn lựa chọn hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo phương án 3 thì đề nghị tính toán bổ sung thêm tuyến cao tốc Rạch Giá - Bạc Liêu, đoạn từ TP. Bạc Liêu kết nối với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong giai đoạn đến năm 2030 nhằm đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo tiền đề cho tỉnh Bạc Liêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Điểm cuối của tuyến giao với đê biển Đông, kết nối với cụm các nhà máy điện gió, điện mặt trời, điện khí LNG Bạc Liêu; các khu nuôi tôm công nghệ cao; cảng biển nước sâu và tuyến đường ven biển quốc gia... Điều này phù hợp với nội dung phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. Cần Thơ, theo ĐBQH Nguyễn Huy Thái, đây không chỉ là cơ chế, chính sách riêng dành cho TP. Cần Thơ, mà còn là cú hích để phát triển khu vực ĐBSCL, một bước của sự thể chế hóa thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đại biểu đề nghị cần đặc biệt chú trọng yếu tố liên kết vùng, trong đó TP. Cần Thơ đóng vai trò đầu tàu. Trong mối liên kết vùng, kiến nghị đầu tư để TP. Cần Thơ trở thành trung tâm chế biến các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, làm gia tăng giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh, giảm thiểu tối đa xuất khẩu thô, giải bài toán đầu ra cho nông sản; hóa giải điệp khúc “được mùa - rớt giá”; để sản phẩm từ vựa lúa - vựa thủy sản - vựa trái cây lớn nhất của quốc gia tham gia sâu rộng thị trường quốc tế, đưa vùng đất Chín Rồng cất cánh từ tiềm năng, thế mạnh riêng có của mình.
KIM KIM (thực hiện)
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng
- Ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan đầu năm mới