Thành lập Trung tâm hòa giải đối thoại tại tòa án: Giảm thiểu các vụ án kéo dài, gây bức xúc trong dư luận
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội khóa XIV thông qua vào tháng 6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Đây là một dự luật mới mẻ tại Việt Nam, hứa hẹn thổi một luồng gió mới vào hoạt động xét xử ở các tòa án, khi mà việc hòa giải đối thoại được quan tâm đặc biệt cho các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, hành chính… không cần thông qua quá trình giải quyết cũng như các thủ tục tố tụng thông thường vẫn được công nhận tại các Trung tâm hòa giải của Tòa án, bởi các hòa giải viên (HGV) được Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh bổ nhiệm.
Ông Đặng Quốc Khởi, Chánh án TAND tỉnh báo cáo tình hình hoạt động của Tòa án 2 cấp trong buổi làm việc với Chánh án TAND Tối cao. Ảnh: K.P
Đây là một chính sách được thể chế hóa nhằm thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Kết quả hòa giải nếu thành công và được Tòa án công nhận vẫn có giá trị pháp lý bình thường như các bản án. Việc này sẽ tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ cho ngân sách, hạn chế việc cưỡng chế thi hành án, nhất là tiết kiệm thời gian đi lại của người dân, đồng thời giảm thiểu các vụ án kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Theo quy định của luật mới, HGV ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn về tư cách đạo đức, phải có đủ các điều kiện như là thẩm phán, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên, luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của TAND Tối cao cấp.
Để sớm thành lập các Trung tâm hòa giải tại tòa, TAND Tối cao đã yêu cầu TAND các tỉnh, thành phố xây dựng đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Nói về các khâu chuẩn bị thành lập các Trung tâm hòa giải đối thoại tại TAND tỉnh và Tòa án các huyện, thị, thành phố, ông Đặng Quốc Khởi, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Tỉnh đã lên phương án xây dựng về cơ sở vật chất, con người cho các đơn vị. Hiện tại, ngoại trừ 2 đơn vị là TAND huyện Phước Long và TP. Bạc Liêu gặp khó về cơ sở vật chất do trụ sở quá chật, không còn chỗ để bố trí phòng hòa giải thì các đơn vị còn lại đều đáp ứng yêu cầu. Về việc thu hút HGV, TAND tỉnh dự kiến sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, để tuyển chọn ra những HGV vừa đáp ứng yêu cầu công việc, vừa đảm bảo tiêu chuẩn luật định.
Cũng theo ông Khởi, do Luật Hòa giải đối thoại tại tòa hoàn toàn mới mẻ, các đơn vị cũng vừa tiến hành, vừa học hỏi. Việc phân bổ HGV theo hướng dẫn của TAND Tối cao là dựa vào số lượng án mà Tòa án thụ lý trong năm, ví dụ, án ít hơn 300 vụ sẽ có 3 HGV, từ 800 - 1.000 vụ sẽ có từ 7 - 8 HGV. Việc hòa giải về bản chất là tác động vào tâm lý của các bên tranh chấp, khơi dậy lòng vị tha, hướng thiện, thông cảm và bỏ cố chấp. Chẳng hạn như tác động để giảm bớt nợ lãi suất, để vợ chồng hàn gắn, để thỏa thuận chia tài sản có cơ sở pháp lý… “Ban cán sự Đảng TAND tỉnh cũng đã đề xuất Tỉnh ủy bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo việc triển khai thi hành Luật tại địa phương cho Ban chỉ đạo cải cách tư pháp của tỉnh”, ông Khởi cho biết thêm.
Công tác triển khai Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án hiện còn nhiều khó khăn, nhất là việc tuyển chọn các HGV, bởi đội ngũ đương chức sẽ rất khó bỏ việc để chuyển sang làm HGV. Còn chỉ tuyển dụng những người về hưu thì vấn đề sức khỏe cũng đáng quan tâm. Tuy nhiên, người dân đang hết sức mong chờ các Trung tâm hòa giải này sớm đi vào hoạt động và sẽ phát huy hiệu quả như mong đợi.
KIM PHƯỢNG