Tháo gỡ khó khăn cho công tác quản lý về nuôi chim yến

Thứ Sáu, 26/11/2021 | 17:29

 

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, việc ban hành Nghị quyết “Quy định vùng, khu vực nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” là rất cần thiết, nhằm phù hợp với các quy định mới của văn bản quy phạm pháp luật cấp trên và thực tiễn phát triển nghề nuôi chim yến tại tỉnh. Qua đó còn đảm bảo nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, đầu tư hiệu quả và giải quyết tình trạng tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Các đại biểu cho ý kiến liên quan đến Nghị quyết quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Ảnh: K.P

Đây cũng là biện pháp để tỉnh khuyến khích và hỗ trợ người dân địa phương phát triển nghề nuôi chim yến đạt hiệu quả và bền vững; giải quyết hài hòa lợi ích xã hội của người dân giữa các bên (giữa người nuôi và người không nuôi ở lân cận); đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn và phòng ngừa dịch bệnh.

Dự thảo Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh thể hiện khá rõ những vùng được nuôi và vùng không được nuôi chim yến, cũng như những quy định kèm theo. Chủ yếu ở các khu vực thành phố, các khu vực đô thị đông đúc dân cư hướng tới cấm nuôi chim yến. Chỉ riêng quy định này đã nhận rất nhiều ý kiến, đồng tình có, phản biện có. Nhiều ý kiến của chuyên gia, những người tham gia nuôi chim yến cho rằng, cần xem xét, nghiên cứu nhằm đảm bảo hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Ông Lâm Quyết Thắng - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, cần phải điều chỉnh lại vùng nuôi, khu vực nuôi, bởi theo ông, quy định như trong dự thảo là chưa hợp lý. Cùng một môi trường, cùng một điều kiện giống nhau, vì sao nơi này, phường này được nuôi, phường khác, khu vực khác không được nuôi (chưa có lý giải). Ông Thắng cũng đề nghị đơn vị soạn thảo cần nghiên cứu lại quy định vùng nuôi đối với một số khu vực không được nuôi chim yến, đối với khu vực vùng ven nội ô. Bởi ở những nơi này còn diện tích đất nông nghiệp khá lớn, người dân có thể phát triển nghề nuôi chim yến, ví dụ vừa trồng màu vừa kết hợp nuôi yến mà vẫn đảm bảo các yếu tố môi trường. Bên cạnh đó, cũng phải tính đến yếu tố của những nhà yến đã tồn tại trước đây. Những cơ sở đã nuôi trước khi Nghị quyết ban hành thì giải quyết như thế nào, cho tiếp tục nuôi 5 năm, 10 năm rồi chuyển sang ngành nghề khác? Chứ nếu cấm ngay thì thiệt thòi vì người nuôi đã đầu tư nhiều tiền của.

Đồng tình với Nghị quyết về quy hoạch vùng nuôi chim yến, bà Võ Thị Hồng Thoại - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho rằng, việc phát triển nóng các nhà yến dẫn đến nhiều hệ lụy. Người dân đua nhau nuôi trong các khu dân cư thiếu quy hoạch, không chỉ lượng chim yến giảm sút, nhiều nhà yến không có hiệu quả, thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến vấn đề dân sinh như tiếng ồn do các loa dẫn dụ chim yến, những lo lắng về dịch bệnh (ví dụ: dịch cúm gia cầm hoặc chim yến mang vi-rút truyền nhiễm khác). Vì vậy, cần có quy hoạch căn cơ để đảm bảo phát triển nghề nuôi yến bền vững.

Liên quan đến vấn đề mở loa dẫn dụ chim yến, nhiều ý kiến cũng băn khoăn với quy định cấm không cho mở loa, nhất là với những người nuôi yến. Họ lo lắng, khi không còn mở loa gọi yến thì yến sẽ không tìm về nhà yến. Đồng quan điểm này, ông Trần Văn Chiêu - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Bạc Liêu cũng cho ý kiến, không nên cấm mở loa gọi yến mà chỉ nên quy định giới hạn mức độ đề-xi-ben.

Hầu hết các ý kiến đều đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá các tác động chi tiết, hướng đến điều kiện phát triển bền vững nghề nuôi chim yến, vì đây là nghề có tiềm năng phát triển kinh tế khá lớn, có thể đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.