Thi hành Luật Đất đai: Đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh

Thứ Hai, 05/07/2021 | 17:24

Qua 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có những chuyển biến tích cực. Hệ thống QLNN về đất đai được tăng cường ở cả 3 cấp, theo hướng phân cấp nhiều hơn cho địa phương. Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đều được cải thiện. Công tác quản lý đất đai đã dần đi vào nền nếp và ổn định. Hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác QLNN về đất đai ngày càng được kiện toàn, trình độ chuyên môn cũng được nâng lên.

>>> Bài 1: Những tác động từ chính sách đất đai

Bài cuối: Nhiều bất cập cần giải quyết

Công tác quản lý đất đai ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở còn nhiều hạn chế; tình trạng lấn chiếm đất công, tái chiếm đất đã được Nhà nước thu hồi, tự chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy hoạch, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp… vẫn còn diễn ra nhưng chưa được xử lý kịp thời. Vấn đề làm hồ sơ, thủ tục xin cấp Giấy CNQSDĐ vẫn còn rất nhiêu khê, tốn nhiều thời gian và làm người dân ngán ngẫm khiến tình trạng “cò” nhà đất vẫn nhan nhản. Nhiều đối tượng lợi dụng các chính sách về đất đai chưa thống nhất, để lách luật, khiến Nhà nước thất thu thuế chuyển quyền sử dụng đất. Nhiều dự án được giao, cho thuê không đảm bảo tiến độ, hiện trạng đất công chưa được quản lý đến nơi đến chốn…

Những bất cập, tồn tại trong quá trình thực thi Luật Đất đai và các chính sách về đất đai cần sớm được khắc phục, từ đó đề xuất sửa đổi Luật Đất đai theo hướng phù hợp, hiệu quả QLNN về đất đai đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và tổng kết thi hành Luật Đất đai do Bộ TN&MT tổ chức. Ảnh: K.P

NHỮNG VƯỚNG MẮC TỪ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH

Khó khăn lớn của tỉnh trong thi hành Luật Đất đai là vấn đề liên quan đến kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu về đất. Từ năm 2008 - 2010, tỉnh đã tổ chức triển khai công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy, đăng ký cấp giấy chứng nhận cho 4 đơn vị là huyện Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân và TX. Giá Rai nhưng chưa triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Từ năm 2011 đến nay, Bạc Liêu tiếp tục tổ chức đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy, đăng ký cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 3 đơn vị hành chính cấp huyện gồm TP. Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi và huyện Hòa Bình.

Việc xây dựng và lập bản đồ địa chính theo hệ tọa độ quốc gia gắn với việc xây dựng cơ sở dữ liệu theo mô hình tập trung, thống nhất nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin về đất đai của các cấp, các ngành, vừa đẩy nhanh việc cấp Giấy CNQSDĐ theo chỉ đạo của Chính phủ, vừa làm cơ sở giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, qua đó góp phần bảo đảm an ninh trật tự, đưa công tác QLNN về đất đai đi vào ổn định và chặt chẽ. Tuy nhận thức là thế, nhưng khi triển khai trên thực tế tại Bạc Liêu vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí. Giai đoạn từ 2008 - 2020, nguồn kinh phí của Trung ương cấp cho công tác đo đạc còn ít so với nhu cầu nên tiến độ thực hiện chậm. Bên cạnh đó, trang thiết bị để vận hành cơ sở dữ liệu đất đai còn hạn chế do chưa có nguồn kinh phí để được đầu tư bổ sung, duy trì kết nối, vận hành hệ thống thông tin đất đai để quản lý và chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành. Điều này cũng gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện liên thông thuế để đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính và đến nay vẫn chưa thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến về đất đai mức độ 3, 4.

Bên cạnh đó là hệ thống xác định giá đất không thống nhất. Chẳng hạn như việc xác định giá đất theo bảng giá do UBND tỉnh ban hành; xác định giá đất cụ thể theo hệ số điều chỉnh giá đất ban hành hàng năm để thực hiện nghĩa vụ tài chính có liên quan; xác định giá đất cụ thể cho từng thửa có giá trị trên 20 tỷ đồng; xác định giá đất cụ thể theo hệ số điều chỉnh khi Nhà nước thu hồi đất cho từng dự án cụ thể. Đối tượng là người có đất bị giải tỏa, đền bù có sự so sánh do chênh lệch giá quá lớn giữa các phương pháp xác định giá.

Tình trạng bất hợp lý còn thể hiện qua các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa phản ánh đúng giá đất thực tế tại thị trường. Điều này gây thất thu thuế về chuyển quyền sử dụng đất, thất thu ngân sách và còn khiến cho công tác thu thập, phân tích, xử lý và sử dụng các thông tin thẩm định giá. Đồng thời, càng tạo bất hợp lý khi người dân lúc chuyển nhượng đất thì thích sử dụng khung giá đất do Nhà nước quy định để né tránh nghĩa vụ tài chính, nhưng khi bồi hoàn giải tỏa, thu hồi đất thì lại so sánh và yêu sách đòi phải được hưởng giá thị trường. Tâm lý so bì khiến cho tình trạng khiếu nại ở các dự án thu hồi đất tăng, phần nhiều cũng xuất phát từ những quy định về cơ chế, chính sách về giá đất không đồng nhất. Thực trạng bất cập như thế nhưng lại không có bất cứ chế tài nào để quản lý, ràng buộc.

THIẾU SỰ NHẤT QUÁN TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT

Nhiều dự án như Dự án khu dân cư Bắc Trần Huỳnh, cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn chưa giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề. Trong đó, nổi cộm nhất vẫn là việc người dân chưa thống nhất với giá bồi hoàn, tái định cư. Nhiều trường hợp đã giải quyết xong quay lại tái chiếm đất, quây rào bao ví không cho người được cấp đất thực hiện quyền của mình. Chính quyền sở tại gần như bất lực khi ra quyết định xử phạt hành chính mà không ai chấp hành. Không ít người dân vẫn còn tư duy theo kiểu, càng khiếu nại, càng chây ì thì... càng có nhiều quyền lợi. Bên cạnh đó, việc giải quyết về khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai ở nhiều cấp vẫn chưa thật sự thỏa đáng. Đôi lúc việc giải quyết quá nhân nhượng đối với những trường hợp rõ ràng là sai pháp luật, cần xử lý nghiêm khắc. Dẫn đến tình trạng người khiếu nại xem thường pháp luật, lấn chiếm sử dụng đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước, thực hiện quyền, nghĩa vụ không đúng quy định pháp luật ảnh hưởng đến công tác QLNN về đất đai ở địa phương, tạo dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.

Nguyên nhân một phần là do tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư của một số dự án còn chậm. Công tác tuyên truyền, vận động người dân trong triển khai thực hiện dự án hiệu quả chưa cao. Việc bố trí vốn triển khai thực hiện một số công trình, dự án đã có trong kế hoạch sử dụng đất có lúc chưa kịp thời. Vẫn còn một vài nhà đầu tư, sau khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ dự án được duyệt. Một bộ phận các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất, cố tình không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai, đòi nhiều quyền lợi một cách phi lý. Việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai cũng không có sự nhất quán từ các cơ quan nhà nước, gây tâm lý mệt mỏi và khó kết thúc cho cả hai phía.

SỚM HOÀN THIỆN CÁC CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VÊ ĐẤT ĐAI

Nhiều đề xuất liên quan đến các chính sách đất đai cần sớm được tiếp thu, sửa đổi. Trong đó, đối với vấn đề cho thuê đất, giao đất, chuyền mục đích sử dụng đất, cần hoàn thiện các cơ chế liên quan đến các lĩnh vực phục vụ sản xuất - kinh doanh. Đối với đất xây dựng nhà ở, đất thương mại, dịch vụ, đất có mục đích kinh doanh thì Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, đối với các diện tích đất có nguồn gốc từ nông - lâm trường nhưng sử dụng không hiệu quả, quản lý yếu kém thì thực hiện nghiêm chủ trương thu hồi, giao địa phương quản lý sử dụng. Công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất có nguồn gốc từ nhận khoán ổn định lâu dài theo hạn mức, vượt hạn mức phải chuyển sang cho thuê. Hoàn thiện chính sách bồi thường về đất, hoàn thiện chế tài đủ mạnh và áp dụng công cụ thuế để xử lý trường hợp đất chậm đưa vào sử dụng.

Thiết lập cơ quan định giá đất chuyên trách của Nhà nước, trong đó có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về giá đất, thực hiện đăng ký giá đất bắt buộc. Hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất đảm bảo khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường. Đối với quy định về hạn chế vấn đề đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhiều ý kiến đề xuất cần thay đổi quy định này theo hướng mở. Theo đó, ngoài việc cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi trên đất nông nghiệp, thu hẹp diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt thì cần mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa, mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.