Thi hành pháp luật càng nghiêm - Xã hội càng phát triển
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vấn đề quan trọng không phải là ban hành thật nhiều luật, mà quan trọng là áp dụng và thực hiện chúng như thế nào trên thực tế. Như vậy, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật chính là nằm ở chỗ, việc thi hành pháp luật phải được áp dụng một cách nghiêm chỉnh, thống nhất và công bằng, theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Tập huấn về công tác thi hành pháp luật. Ảnh: K.P
THI HÀNH PHÁP LUẬT ĐẾN NƠI ĐẾN CHỐN
Thi hành pháp luật được xem là hình thức để Nhà nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, quản lý, bảo vệ, thúc đẩy phát triển xã hội. Còn đối với các tổ chức khác hoặc các cá nhân thì đó là việc thực hiện các quyền, các nghĩa vụ pháp lý của họ mà pháp luật đã quy định, vì lợi ích của mỗi tổ chức, cá nhân, cũng như của cả cộng đồng xã hội.
Để đánh giá tình hình thực hiện theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2022. Trên cơ sở đó, chỉ đạo Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở các lĩnh vực trật tự xây dựng, lĩnh vực quản lý đê điều và kiểm tra chuyên đề đối với 31 đơn vị thuộc cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Trong đó, theo dõi, kiểm tra thi hành pháp luật ở lĩnh vực trật tự xây dựng, lĩnh vực quản lý đê điều tại UBND TP. Bạc Liêu (các phường 1, 2, 3, 5, 7, 8 và phường Nhà Mát); UBND huyện Đông Hải (các xã Long Điền Đông, Điền Hải, Long Điền Tây và thị trấn Gành Hào); kiểm tra chuyên đề đối với 8 đơn vị cấp tỉnh gồm: Cục Thi hành án dân sự, Cục Thuế, các sở: Y tế, Giao thông - Vận tải, Xây dựng, NN&PTNT, Tài nguyên - Môi trường, VH-TT-TT&DL và 10 đơn vị cấp huyện, cấp xã gồm: UBND TX. Giá Rai, Công an TX. Giá Rai, UBND phường Láng Tròn, UBND Phường 1; UBND huyện Phước Long, Công an huyện Phước Long, UBND thị trấn Phước Long; UBND huyện Hồng Dân, Công an huyện Hồng Dân, UBND thị trấn Ngan Dừa.
TẠO MÔI TRƯỜNG THÔNG THOÁNG
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc như cán bộ, công chức thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc quản lý và áp dụng pháp luật vào từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, pháp luật quy định về xử lý vi phạm hành chính rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và thường xuyên sửa đổi, bổ sung nên việc cập nhật, nghiên cứu, nắm bắt để hướng dẫn thực hiện công tác này trong thực tiễn đôi lúc chưa kịp thời. Nhưng thời gian gần đây, hoạt động thi hành pháp luật tại Bạc Liêu đã được các cấp, các ngành ngày càng đặt mối quan tâm nhiều hơn, tốt hơn. Nhiều quy định và văn bản pháp luật mới ban hành đã được thi hành có hiệu quả trong cuộc sống, phát huy được vai trò, tác dụng của pháp luật. Từ đó tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tăng tính cạnh tranh của các nhà đầu tư; đời sống kinh tế - xã hội ổn định, Nhân dân thêm tin tưởng vào sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Tỉnh Bạc Liêu còn quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ và Công văn 702 của Bộ Tư pháp về triển khai nhiệm vụ, cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng Chỉ số B1 (thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật), đã ban hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng năm trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó là phối hợp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật.
KIM TUẤN