Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, mua bán người: Vẫn còn diễn biến phức tạp
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã có buổi thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: T.L
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) trong bài thảo luận của mình đã có sự quan tâm đến vấn đề bạo lực trên cơ sở giới. Theo đại biểu Ngọc Linh, bạo lực trong gia đình thực tế vẫn còn xảy ra nhiều, nhất là ở những vùng sâu, vùng nông thôn, rơi vào các gia đình ít học, thiếu kiến thức hoặc không được tiếp cận với thông tin. Người bị bạo lực thường là phụ nữ và khi họ bị bạo lực thì không dám lên tiếng, không dám báo với các ngành chức năng vì họ mặc cảm, có cảm giác tự ti và lại sợ người chồng tiếp tục bạo lực nhiều hơn. Do đó, những người phụ nữ này sống cam chịu, chịu đựng; có những trường hợp bị trầm cảm, không có lối thoát dẫn đến những hậu quả đáng tiếc…
Đại biểu Ngọc Linh cho rằng, trước giờ nhiều người vẫn còn quan niệm bạo lực gia đình chủ yếu là vấn đề của phụ nữ và trẻ em nên việc can thiệp và công tác tuyên truyền chưa thu hút được nam giới tham gia. Tuy có sự can thiệp ở cấp độ cộng đồng đối với tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới nhưng vẫn còn nhỏ lẻ. Công tác hòa giải, tư vấn vẫn bó buộc theo lối mòn, chủ yếu khuyên giải người phụ nữ cần cam chịu và trở về nhà - nơi bạo lực vẫn rình rập.
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: K.P
Bên cạnh đó là vấn đề mua bán người, trong thực tế hiện nay diễn biến rất phức tạp và ngày càng nhiều. Theo số liệu thống kê thì tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, mua bán nội tạng… Thậm chí việc trao đổi mua bán người còn diễn ra ngay trong chính gia đình, cha mẹ bán con, anh chị bán em, hay người thân lừa người thân để bán thu lợi nhuận.
Những vấn nạn trên đang là hồi chuông báo động, cần có các giải pháp căn cơ, hữu hiệu nhằm làm giảm, làm dừng trong thời gian tới. Đại biểu đề nghị các bộ, ngành chức năng và Chính phủ có sự chỉ đạo quyết liệt và có chế tài xử lý mạnh đối với các đối tượng vi phạm. Đồng thời, có giải pháp cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và tội phạm mua bán người.
Cũng theo đại biểu Ngọc Linh, không ít chính sách liên quan về phụ nữ và bình đẳng giới đã được ban hành nhưng trên thực tế một số nơi hiệu quả thực hiện chưa cao; việc kiểm tra, uốn nắn, chỉ đạo chưa kịp thời. Nhận thức về giới vẫn còn tồn tại trong đời sống xã hội, vẫn còn những định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ. Bên cạnh đó, trình độ học vấn, nghề nghiệp của phụ nữ vẫn còn chưa ổn định, thu nhập thấp hơn so với nam giới; gánh nặng công việc gia đình làm cản trở phụ nữ tiến bộ vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.
Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ nữ như chế độ phụ cấp cho cán bộ nữ đi học, chế độ thai sản và chính sách thu hút đối với cán bộ nữ vẫn còn nhiều bất cập; mức hỗ trợ vẫn còn thấp.
Từ những lý do đó, đại biểu thống nhất với đề nghị của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới. Tiếp tục có chính sách phù hợp trong ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động, nội dung về bình đẳng giới; củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới.
KIM PHƯỢNG