Tội phạm… bất đắc dĩ
Ngày càng có nhiều vụ án mà người phạm tội - xin được tạm gọi là tội phạm… bất đắc dĩ. Họ bị hồi tố cho một loại tội phạm liên quan đến nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em, chẳng hạn như tội “Giao cấu với người dưới 16 tuổi”. Rất nhiều người chồng đã phải ngậm ngùi đi tù vì vướng phải quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Minh họa: B.T
HAI CÂU CHUYỆN, HAI HOÀN CẢNH
Phiên tòa không căng thẳng vì các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản, bởi việc điều tra, xử lý rất rõ ràng, các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội và mong muốn tòa xử khoan hồng. Nhưng phiên tòa lại căng thẳng đến ngột ngạt vì phản ứng của một bị hại - khi không muốn làm bị hại.
Tay bồng đứa con thứ 2 mới hơn 1 tuổi, bị hại N. (đã được đổi tên) vừa la vừa khóc, lúc thì lại gào lên khi cho rằng, việc bắt chồng của bị hại để xét xử về tội “Giao cấu với trẻ em” là vô lý. Do lúc về chung sống một nhà, bị hại chưa đủ 16 tuổi. Tuy nhiên, lúc bị xử lý hình sự về hành vi giao cấu với trẻ em, bị cáo D.M.Th (26 tuổi) và bị hại (vợ của bị cáo) cũng đã 22 tuổi. Cả hai đã làm cha làm mẹ của 2 đứa trẻ, đứa lớn cũng đã đi học lớp 1.
Tương tự như câu chuyện của bị cáo D.M.Th, anh L.B.N (33 tuổi) đã từng có thời gian phải chịu 27 tháng tù cũng vì “Giao cấu với người chưa thành niên” là vợ của mình. Nhưng nếu bị cáo Th. được vợ hết mực yêu thương, đấu tranh để bị cáo không phải đi tù thì vợ của anh L.B.N lại chính là người đưa anh vào cảnh tù tội.
Anh N. bộc bạch: “Lúc quen rồi cưới bả, có biết vợ chưa đủ 18 tuổi nhưng bản thân 2 vợ chồng lúc đó cũng không nhận thức là vi phạm pháp luật, người trong gia đình cũng xem là bình thường”. Đến khi cuộc sống gặp trở ngại, vợ chồng mâu thuẫn thì vợ lại đem câu chuyện vị thành niên để đe dọa, uy hiếp anh N., nếu không nghe lời sẽ báo công an cho ở tù. Và đỉnh điểm của mâu thuẫn, người vợ đã trực tiếp tố cáo đến công an để người chồng bị khởi tố, đi tù, dù lúc đó anh N. đã gần 30 tuổi.
NÊN CHĂNG CẦN SỬA ĐIỀU LUẬT?
Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Luật Phan Phương Thảo - Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh cũng đã bày tỏ quan điểm hết sức băn khoăn trước quy định của điều luật này. Bà Thảo cho rằng, về mặt tội phạm học, hành vi phạm tội vừa phải có nguyên nhân - hậu quả gắn liền với nhau và gây hại xã hội. Trong những trường hợp như trên, biết là trái luật nhưng không gây hậu quả. Có thể thay thế bằng hình thức xử lý khác (xử phạt vi phạm hành chính; lao động công ích…) phù hợp hơn là xử lý hình sự, nhất là khi bị cáo và bị hại vẫn đang trong mối quan hệ vợ chồng.
Đó là còn chưa nói, cùng với việc xử lý hình sự, bắt người chồng, người cha đi tù, làm xáo trộn cuộc sống của cả một gia đình, đôi khi còn gây thiệt hại về mặt xã hội, làm tổn thương tình cảm gia đình, ảnh hưởng đến con cái của họ với những mặc cảm xã hội và còn tạo thêm gánh nặng với những chi phí phát sinh của Nhà nước cho hoạt động khởi tố, truy tố, xét xử và thi hành án với bị cáo mà không mang lại hiệu quả răn đe, phòng ngừa.
Còn về phía người dân, dù lý giải với cách nào, họ cũng cảm thấy, pháp luật quy định như thế là quá cứng nhắc, không hợp tình hợp lý, thậm chí còn “vẽ đường cho hươu chạy” trong trường hợp điều luật bị lợi dụng để đe dọa, uy hiếp người khác phải làm theo ý mình, nếu không muốn bị tố cáo.
KIM PHƯỢNG