Tổng kết công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy giai đoạn 2016 - 2020: Nhiều thành quả nổi bật
Đánh giá kết quả công tác phòng chống mại dâm (PCMD), cai nghiện ma túy (CNMT) và quản lý sau cai nghiện giai đoạn 2016 - 2020, các cấp, các ngành trong tỉnh cũng như toàn xã hội đã có nhiều nỗ lực và giải pháp đúng đắn nhằm đẩy lùi tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội.
Trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống tệ nạn xã hội. Ảnh: T.Đ
KHÔNG CÓ ĐIỂM NÓNG VỀ MẠI DÂM
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam đã biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chung tay của toàn xã hội trong công tác PCMD, kịp thời ngăn chặn, triệt xóa tụ điểm mại dâm, không để hình thành, phát sinh điểm nóng về mại dâm trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng cho rằng, giai đoạn 2016 - 2020, công tác PCMD mang lại hiệu quả cao; chi phí (nhân lực, kinh phí, thời gian…) bỏ ra không nhiều. Tác hại của mại dâm đối với đời sống xã hội (tình trạng lây nhiễm HIV và các bệnh xã hội) được hạn chế; huy động, hình thành được mạng lưới cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội như cho vay vốn làm ăn, dạy nghề…
Nói cách khác, tỉnh đã thực hiện tốt các nội dung trong mục tiêu chương trình PCMD đề ra. Các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân ngày càng nâng cao ý thức, nhận thức trong công tác PCMD. Hoạt động can thiệp làm giảm tác hại của mại dâm đối với đời sống xã hội được chú trọng, nhất là thực hiện mô hình tại các địa bàn cơ sở. Tỉnh luôn tạo các điều kiện thuận lợi để người bán dâm và người hoạt động mại dâm dễ dàng tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội. Nhất là việc thực hiện Quy chế phối hợp, giúp đỡ người sau CNMT, người bán dâm hoàn lương và nạn nhân bị mua bán trở về đã huy động được nhiều nguồn lực, thiết lập mạng lưới toàn xã hội tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt, các cấp, các ngành có liên quan đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác PCMD; đưa các hoạt động PCMD vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm. Quần chúng nhân dân phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về PCMD; đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội tình nguyện (tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ…) tại các địa bàn cơ sở.
GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG MA TÚY PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Riêng về CNMT, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh cơ bản thực hiện tốt công tác CNMT và quản lý sau cai nghiện, góp phần cho sự thành công chung trong cuộc chiến phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh. Công tác CNMT từng bước được quan tâm đổi mới phương thức hoạt động theo đúng chỉ đạo của Trung ương, nhất là việc chuyển đổi mô hình hoạt động CNMT từ Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội sang Cơ sở CNMT với mô hình hoạt động đa chức năng. Cùng với sự chuyển đổi đó, tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho Cơ sở CNMT đảm bảo đáp ứng nhu cầu cai nghiện trên địa bàn. Tỉnh cũng đã ứng dụng thuốc mới (Cedemex) trong công tác cai nghiện, điều trị nghiện MT trên cơ sở Chỉ thị 25 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, Cơ sở CNMT tỉnh đã làm tốt công tác bàn giao người hết hạn cai nghiện cho chính quyền cơ sở (UBND cấp xã) áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Chính quyền địa phương và các cấp, các ngành chú trọng kết nối người sau CNMT với các dịch vụ trợ giúp xã hội như: vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam đề nghị sau hội nghị 3 ngành: LĐ-TB&XH, Y tế và Công an tỉnh cần ngồi lại với nhau tìm kiếm giải pháp tốt nhất thuộc thẩm quyền của mình liên quan đến đề xuất, kiến nghị của các sở, ngành và địa phương. Cần nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tiếp theo, đồng thời xây dựng kế hoạch liên tịch và dự trù kinh phí để thực hiện tốt 3 nhiệm vụ chính nêu trên trong giai đoạn tới.
TẤN ĐẠT
Ưu điểm lớn nhất trong công tác PCMD, CNMT và quản lý sau cai nghiện giai đoạn 2016 - 2020 là tỉnh không để mất kiểm soát tình trạng mua bán ma túy, phát sinh người nghiện và hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, thực trạng đáng lo ngại những năm gần đây là giới trẻ chuyển sang sử dụng ma túy đá tăng nhanh và đang len lỏi đến các vùng nông thôn của tỉnh.
Xung quanh công tác PCMD, CNMT và quản lý sau cai nghiện, ý kiến tham luận của các ngành, địa phương đã phân tích sâu sắc mọi góc cạnh của 3 lĩnh vực, có cả khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả. Dưới đây là các ý kiến được nhiều đại biểu quan tâm.
* Đại tá Nguyễn Văn Hận, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Hoạt động mại dâm đang núp bóng, trá hình
Mặc dù công tác PCMD được làm rất tốt, nhưng tôi cho rằng, hoạt động mại dâm chưa hoàn toàn chấm dứt. Hiện nay, gần như không có người bán dâm ra đường mời gọi, chèo kéo khách như trước mà tất cả đã lùi vào hoạt động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như: quán cà phê đèn mờ, gội đầu, cắt tóc nam, quán karaoke, massage, nhà cho thuê, nhà nghỉ… Việc mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy cũng chủ yếu diễn ra ở những nơi này. Do đó, tôi đề nghị lực lượng chức năng, nhất là Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp phải nghiêm túc hơn nữa trong khâu kiểm tra, quản lý các cơ sở kinh doanh loại hình nói trên.
* Bác sĩ Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế: Nhiều khó khăn, bất cập trong xác định tình trạng nghiện
Cái khó mà ngành Y tế tỉnh đang gặp phải hiện nay là cơ sở y tế tuyến huyện không có khoa tâm thần, chưa bố trí khu vực cách ly riêng để tạo điều kiện ăn, ở, vệ sinh cho người nghiện ma túy trong thời gian điều trị cắt cơn, cũng như để xác định tình trạng nghiện. Hiện nay, luật không quy định việc tạm giữ người trong trường hợp xác định tình trạng nghiện ma túy. Công an tạm giữ người vi phạm hành chính (kể cả tại cơ sở y tế) chỉ được không quá 24 giờ, trong khi thời gian xác định chất ma túy nhóm Opioid phải mất 3 ngày, nhóm Amphetamin là 5 ngày.
Về địa điểm, việc kiểm tra xác định tình trạng nghiện phải có nơi riêng biệt, có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm an ninh trật tự và các điều kiện tối thiểu cho sinh hoạt của người nghiện, tuy nhiên, tuyến xã và huyện khó tìm được các địa điểm đủ điều kiện. Tương tự như thế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng không đủ điều kiện tiếp nhận người nghiện từ tuyến dưới chuyển lên để xác định tình trạng nghiện. Cán bộ chuyên khoa về tâm thần còn thiếu và thường xuyên bị thay đổi. Thuốc chống loạn thần điều trị ma túy loại Amphetamin đã qua không có, nhất là tuyến huyện. Và kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị cũng vậy... Do đó, ngành Y tế kiến nghị tỉnh bố trí nguồn nhân lực đầy đủ và hỗ trợ kinh phí cho tuyến dưới để cải tạo cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu xác định tình trạng nghiện ở cơ sở. Cần có chế độ ưu đãi cho những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này, đặc biệt khi thực hiện các đợt cao điểm triệt phá các tụ điểm thường xảy ra vào ban đêm. Đồng thời cần bổ sung thêm kinh phí mua test, vì hiện nay nhu cầu xét nghiệm ngày càng tăng.
* Bà Đỗ Ái Lam, Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu: Chế tài xử lý đối tượng tái nghiện còn mâu thuẫn
Điều 28 Luật PCMT năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 và nghị định hướng dẫn quy định: “Người nghiện ma túy đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn nghiện phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 chỉ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người không nơi cư trú ổn định, không áp dụng đối với người đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà vẫn còn nghiện. Vấn đề này đang gây khó khăn rất lớn cho TP. Bạc Liêu do cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hiệu quả rất thấp.
HỮU DUYÊN (lược ghi)
- Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh: Kiên quyết xử lý nghiêm cơ sở lợi dụng kinh doanh để hoạt động tệ nạn xã hội
- Hơn 1.500 học sinh tham gia chương trình “Đại sứ Shopee - Trường học hạnh phúc” năm học 2024 - 2025
- Triển khai nhiệm vụ công tác văn phòng cấp ủy năm 2025
- Huyện Đông Hải: Bàn giao nhà ở theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ tại xã Long Điền Tây
- TP. Bạc Liêu: Sẽ triển khai xây dựng 2 khu nhà ở xã hội trong năm 2025