Trị tham nhũng “vặt” để dân tin
Tham nhũng “vặt” - một thực trạng đang có mặt ở bộ máy chính quyền các cấp, từ những việc tưởng chừng rất đơn giản. Bài toán chống tham nhũng “vặt” cần phải được thực hiện một cách triệt để, hiệu quả hơn, bởi nếu để tham nhũng “vặt” tồn tại thì hệ quả không chỉ hủy hoại đạo đức truyền thống mà nguy hiểm hơn là làm mất lòng tin của người dân vào những giá trị xã hội, vào chính quyền. Dần dà thói quen này sẽ là tác nhân hủy hoại chính cán bộ của ta, làm méo mó hình ảnh đất nước ta trước bao nhiêu nỗ lực của Đảng, Nhà nước.
Bài 1: Nhận diện tham nhũng “vặt”
Tham nhũng “vặt” thường diễn ra ở cấp độ cơ sở, có tính chất thường xuyên, dưới dạng những khoản hối lộ có giá trị nhỏ, bằng tiền mà người dân và doanh nghiệp phải trực tiếp trả cho cán bộ, công chức để đẩy nhanh việc cung cấp các dịch vụ công, hoặc các trường hợp phải “có gì” để có thể đạt được một “việc gì”. Một thực trạng mà ngay cả Chủ tịch UBND tỉnh trong cuộc họp tổng kết thực hiện Luật Đất đai phải chua chát thừa nhận: “Bây giờ, làm thủ tục đất đai phải có “cái gì đó” thì mới làm nhanh”.
Tại một phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tham nhũng vặt như bệnh “ghẻ ruồi”, rất khó chịu mà cái nhũng nhiễu chủ yếu là các cơ quan công quyền. Có lẽ cái “khó chịu” mà người đứng đầu Đảng ta hàm chỉ đến, cũng chính là cái khó mà chính quyền các địa phương, trong đó không loại trừ Bạc Liêu đang cố gắng để đấu tranh hòng loại bỏ.
Sở Nội vụ kiểm tra công tác cải cách hành chính tại huyện Phước Long. Ảnh: M.Đ
Khi tham nhũng “vặt” có mặt khắp nơi
Hai trường hợp kinh doanh giống nhau, ở cùng một địa bàn như nhau nhưng lại có 2 mức thuế phải đóng khác nhau. Cùng vào làm hồ sơ giấy tờ đất đai tại Trung tâm Hành chính công, nhưng người dân cả đời chỉ bước chân đến nơi đó thực hiện các thủ tục một lần duy nhất cho mảnh đất của mình thì vướng mắc đủ thứ, còn người ra vào đó “như cơm bữa” để làm giúp, làm hộ theo giấy ủy quyền (mà dân gian gọi đơn giản là “cò”) thì công việc thông qua ào ào. Cùng kiểm đếm để tính giá trị bồi hoàn cho mảnh đất sắp bị giải tỏa thu hồi, 2 hộ ở kế bên nhau, biết rõ về tài sản nhà cửa cây cối của nhau nhưng lại cho ra kết quả tính mức giá bồi hoàn khác nhau “một trời một vực”… Người dân chẳng có cách nào để lý giải hợp lý hơn là cho rằng, một bên chắc chắn có quen biết, có tiêu cực nên được ưu ái.
Một công chức nhà nước, công tác trong lĩnh vực tư pháp kể một câu chuyện thật của mình. Vợ anh đi làm thủ tục đất đai, giấy hẹn ghi rõ ngày nhận trả kết quả, nhưng chị ấy đến mấy lần đều được bảo là chưa có, lãnh đạo kẹt họp… Khi được thắc mắc lý do vì sao trễ hẹn thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ “nhiệt tình” biên cho vợ anh ấy một số điện thoại, kêu chị ấy điện trực tiếp cho người phụ trách đó để hỏi lý do đi. Chị vợ mang tấm giấy có ghi số điện thoại kia về nhà, tường trình cho chồng. Bức xúc quá, anh trực tiếp đến Trung tâm Hành chính công, yêu cầu được người phụ trách tại đây giải thích rõ, lúc này mới nhận được lời xin lỗi. Kết luận cuối cùng được anh rút ra là "công chức còn bị đối xử thế này, thì người dân không có quen biết gì các cơ quan công quyền, họ ngán tiếp xúc là đúng rồi".
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều lĩnh vực, mà người dân từ bức xúc trở thành chọn giải pháp chung sống thích nghi. Cái thích nghi ở đây trở thành thói quen, khi bị CSGT thổi phạt thì tìm cách nhét vài tờ tiền vào chung với giấy tờ kiểm tra hành chính. Việc chạy trường, chạy lớp tốt cho con đi học diễn ra đầu mỗi năm học, nếu không có mối quan hệ thì chỉ cần chung chi mạnh là được. Thậm chí nhiều nơi, tình trạng bảo kê, ngó lơ cho nhiều vấn nạn xã hội tồn tại, ai dám chắc đằng sau đó không có vấn đề? Trong cuộc họp về thi hành Luật Đất đai mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều rất tâm tư khi nói về tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu thời gian qua. Chủ tịch UBND tỉnh nói rằng, khi có tiêu cực, bỏ phong bì thì kiểm đếm thêm; việc bồi hoàn, áp giá không đúng, ban đầu thì áp giá thấp, dân khiếu nại thì tăng từ từ lên 200, 500, 1.000 rồi mút khung. Làm hồ sơ đất đai, phải có “cái gì đó” thì mới nhanh… Đừng trách cơ chế, đừng nói thiếu quy định. Bởi quy định thì có rất đầy đủ. Vấn đề là con người thực hiện, bên cạnh đó là do cách làm. Cách làm chưa đúng, con người chưa thật sự trách nhiệm, liêm chính.
Người dân đánh giá mức độ hài lòng về cán bộ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: K.P
Vì sao tham nhũng “vặt” nhiều đất sống?
Thực trạng thời gian qua đã chỉ ra, “tham nhũng vặt” thường tồn tại ở cấp cơ sở (phường, xã, thị trấn), nếu xét dưới góc độ lãnh thổ hành chính; ở các cơ quan, ban, ngành thì chủ yếu trong các cơ quan hành chính cấp quận, huyện, tập trung ở những cá nhân trực tiếp quan hệ với công dân. Trong không ít trường hợp, “tham nhũng vặt” biểu hiện ở hành vi của cá nhân thông qua việc gây khó dễ cho những công dân đến làm việc để gợi ý “bồi dưỡng” cho công việc thuận lợi, nếu không muốn đi lại bổ sung giấy tờ, thủ tục nhiều lần; hoặc biểu hiện ở nhóm nhỏ khi đề ra những phí thu, các khoản phạt trái quy định pháp luật… Và để điều này xảy ra, chắc chắn không chỉ quy trách nhiệm cho riêng cá nhân cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc với dân mà còn ở thái độ lơ là, thậm chí là ngấm ngầm thông đồng với nhau của cấp quản lý phía trên.
Liên quan đến tham nhũng vặt, một nhân viên ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã ngao ngán nói rằng: “Không có tiền thì không thông”. Theo đó, các hồ sơ cho vay, giải ngân vốn cho khách hàng của các ngân hàng đều phải có quy định thông qua ở các trung tâm hành chính công (đối với các hồ sơ thế chấp tài sản). Hành vi "tham nhũng vặt" ở đây rất tinh vi vì không ai làm trái quy định. Cụ thể, nếu trả kết quả lúc 14 giờ thì hồ sơ khi mang về làm thủ tục sẽ giải ngân xong cho khách hàng trong ngày. Tuy nhiên, chỉ cần kéo dài thời gian trả hồ sơ đến 16 giờ, mang về mà xong thủ tục thì phải chờ qua ngày hôm sau mới giải ngân vốn. Mà tiền đối với nhiều người dân, doanh nghiệp đang cần gấp, mỗi một ngày là cả một sự khó khăn. Họ có khi phải đền hợp đồng cho đối tác, có khi người dân phải vay nóng bên ngoài để chờ giải ngân. Ai cũng biết điều đó, và những người có quyền quyết định giờ trả kết quả hành chính ở các Trung tâm Hành chính công càng biết rõ hơn “quyền lực” trong tay mình.
Trong cái khó ló cái khôn. Vậy nếu muốn nhanh, ví dụ, làm trong ngày trả kết quả, hoặc đơn giản hơn, muốn trả kết quả lúc đầu giờ chiều của buổi hành chính hay cuối buổi chiều thì đều phụ thuộc vào mối quan hệ tình cảm và cách chung chi biết điều. Tiền cũng không bỏ phong bì mà có rất nhiều cách để đến tay cán bộ. Việc áp dụng đúng quy định là thời hạn "mút khung" hay linh hoạt xử lý sớm hơn, tất cả đều phụ thuộc vào "thái độ" của người đến làm hồ sơ. Đâu có ai làm sai, vậy cách gì để quy trách nhiệm, để xử lý? Đó cũng chính là cách mà tham nhũng “vặt” tồn tại, len lỏi trong bộ máy hành chính, khó mà ngăn chặn, triệt tiêu. Và đó cũng là khi biểu hiện nổi bật của “tham nhũng vặt” luôn được người dân lặng lẽ chấp nhận với tư duy “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". Không ít cán bộ cũng mặc nhiên công nhận và có thái độ ứng xử khác nhau dành cho 2 đối tượng: ứng xử khôn ngoan và không biết ứng xử.
Kim Phượng
- Sở LĐ-TB&XH: Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2025
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng