Trị tham nhũng “vặt” để dân tin
Tham nhũng “vặt” - một thực trạng đang có mặt ở bộ máy chính quyền các cấp, từ những việc tưởng chừng rất đơn giản. Bài toán chống tham nhũng “vặt” cần phải được thực hiện một cách triệt để, hiệu quả hơn, bởi nếu để tham nhũng “vặt” tồn tại thì hệ quả không chỉ hủy hoại đạo đức truyền thống mà nguy hiểm hơn là làm mất lòng tin của người dân vào những giá trị xã hội, vào chính quyền. Dần dà thói quen này sẽ là tác nhân hủy hoại chính cán bộ của ta, làm méo mó hình ảnh đất nước ta trước bao nhiêu nỗ lực của Đảng, Nhà nước.
Bài cuối: Dân và chính quyền đồng lòng chặn tham nhũng “vặt”
>>Bài 1: Nhận diện tham nhũng “vặt”
>>Bài 2: Hệ lụy của tham nhũng “vặt”
Rất nhiều biểu hiện của kiểu tham nhũng “vặt” mà người dân không thể chỉ mặt, đặt tên. Nhưng nói đến nó thì ai cũng hiểu, cũng lắc đầu ngao ngán. Bởi nó len lỏi trong đời sống, thiên biến vạn hóa mà chỉ khi cả xã hội đồng lòng, bộ máy chính quyền kiên quyết, và cơ chế, chính sách hợp lý thì mới có thể giải quyết đến nơi đến chốn.
Kẽ hở pháp luật tạo tham nhũng “vặt”
Trong thời gian qua, nhờ những nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước và cộng đồng, rất nhiều vụ án tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng và xử lý một cách nghiêm khắc. Nhưng đó là những vụ án lớn, còn kết quả đạt được trong phòng, chống tham nhũng “vặt” vẫn rất hạn chế. Những kiểu nhũng nhiễu, tìm cách để người dân phải lót tay, “bôi trơn” vẫn rất phổ biến, tiếp tục gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này có thể thấy là do việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng “vặt” ở nước ta, đặc biệt là ở chính quyền địa phương còn chưa triệt để, thiếu kiên quyết. Thực trạng quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ dễ khiến cán bộ, công chức lạm quyền. Bên cạnh đó, những sai phạm khi bị phát hiện chỉ nhận hình thức kỷ luật kiểu “giơ cao đánh khẽ”, thiếu tính răn đe đã không ngăn ngừa, hạn chế được vi phạm.
Hệ thống chính sách, pháp luật của ta vẫn còn quá nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật chồng chéo, trong khi nhiều văn bản luật lại không thể thi hành khi chưa được hướng dẫn, từ đó dẫn tới thực trạng thông tư, hướng dẫn của bộ, ngành còn cao hơn luật và kết quả là mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu. Người dân không thể nào nắm bắt hết những quy định dưới luật như thế và đó chính là môi trường tốt cho các dạng “hành dân” sinh sôi nảy nở. Thủ tục hành chính còn rườm rà, tốn kém, bất hợp lý cũng là kẽ hở để những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa biến chất lợi dụng để tham nhũng, lãng phí.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đã chỉ ra một điều kiện để tình trạng tham nhũng “vặt” tồn tại. Đó là từ những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức nhưng không được thay thế kịp thời, lại đảm nhận những vị trí liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm sẽ rất dễ phạm phải sai lầm, từ đó dẫn đến nhũng nhiễu… Tức là trong rất nhiều yếu tố khiến tham nhũng tồn tại, thì con người vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Vậy làm gì để con người, không muốn hoặc không dám thực hiện hành vi tham nhũng, nhất là kiểu tham nhũng “vặt”?
Giải pháp phòng ngừa
Nói về phòng chống tham nhũng trong bộ máy hành chính, trong một cuộc họp gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu cải tổ lại bộ máy hành chính Nhà nước, trong đó có những cán bộ, công chức, viên chức liên quan trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp. “Địa phương nào để xảy ra nhũng nhiễu mà khi thanh, kiểm tra đột xuất có vấn đề đó thì Chủ tịch cấp huyện, Chủ tịch cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về vấn đề tiêu cực trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.
Đây chính là vấn đề xử lý trách nhiệm của người đứng đầu mà Đảng, Nhà nước đã đề cập đến rất nhiều. Bởi người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thể nói không biết bộ phận nào, nơi nào dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng ở cơ quan mình. Phải coi đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong đó có tham nhũng “vặt” là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài và lấy đó làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của từng cơ quan, đơn vị.
Công dân trình bày ý kiến với lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh tại buổi tiếp công dân năm 2020. Ảnh: K.P
Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, khi chưa có đủ nguồn lực để loại trừ hoàn toàn tham nhũng “vặt”, chính quyền nên ưu tiên tập trung giải quyết trong một hoặc một số lĩnh vực mà ảnh hưởng lớn nhất đến người dân và doanh nghiệp, để tạo dựng niềm tin và huy động sự tham gia của công chúng vào các hoạt động này.
Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc cũng là một trong những “bí kíp” để chính quyền cơ sở giải quyết tới nơi tới chốn tình trạng tham nhũng “vặt”. Song song đó, từng cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các điểm giao dịch, tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp sẽ góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, phải phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong việc phối hợp, hỗ trợ cơ quan nhà nước ngăn chặn, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức. Chính quyền các cấp phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân để giải quyết thực chất, dứt điểm; tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của công dân; xử lý vi phạm và khắc phục hậu quả vi phạm; chú trọng sự hài lòng của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính, tổ chức cung cấp dịch vụ công, tổ chức tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật… Chỉ khi toàn xã hội đồng lòng và có phong trào rộng khắp lên án hành vi này gắn với thực hiện dân chủ cơ sở, xây dựng nông thôn mới… thì mới có thể từng bước loại bỏ tình trạng tham nhũng “vặt” hiện nay.
Kim Phượng
- Sở LĐ-TB&XH: Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2025
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng