Tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng đặc thù
Thời gian qua, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng đặc thù, qua đó giúp các đối tượng này có điều kiện tiếp cận với các chính sách pháp lý phù hợp, thiết thực.
Phát tờ rơi tuyên truyền các chính sách pháp luật cho các đối tượng đặc thù. Ảnh: K.K
CÁC ĐỀ ÁN ĐƯỢC TRIỂN KHAI HỮU HIỆU
Các đề án PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan thành viên của Hội đồng Phối hợp PBGDPL triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, đổi mới trong công tác PBGDPL. Các cơ quan, tổ chức thành viên của Hội đồng tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành hoặc tự ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện, trong đó xác định mục đích, nội dung và các hoạt động cụ thể để phổ biến, giáo dục các văn bản pháp luật mới đến các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án, nhất là các đối tượng đặc thù. Đến nay, nhìn chung các đề án đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó, các hoạt động PBGDPL ngày càng được cán bộ, người dân quan tâm, tham gia học tập và tìm hiểu, nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật, tự giác tuân thủ, góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, nâng cao trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
ĐƯA PHÁP LUẬT ĐẾN VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐẶC THÙ
Các đối tượng đặc thù là những đối tượng ít nhiều có điều kiện đặc biệt, mà việc tiếp cận với pháp luật còn nhiều lý do bị hạn chế. Việc tuyên truyền, giới thiệu, giải thích, hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng này là việc làm cần thiết và có ý nghĩa. Hoạt động này không chỉ giúp họ nắm vững các kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ dân trí mà còn tạo điều kiện để những đối tượng trên tiếp cận được với các chính sách, các quy định có lợi cho mình, giúp họ sống và lao động sản xuất trong khuôn khổ pháp luật, được Nhà nước bảo hộ.
Từ đầu năm đến nay, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã tổ chức tuyên truyền các chính sách, pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở ven biển với hàng chục cuộc về bình đẳng giới; thực hiện trợ giúp pháp lý cho bà con đồng bào 57 vụ việc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Thủy sản, pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); quy định về ghi chép nhật ký khai thác thủy sản và triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử cho hơn 150 người dân ven biển.
Tổ chức 5 cuộc tập huấn, tuyên truyền nâng cao năng lực, an toàn, vệ sinh lao động, chuyên môn nghiệp vụ kinh doanh vật tư nông nghiệp cho 376 đại biểu trong khối doanh nghiệp; tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm cho 1.500 lượt người lao động; phát 1.500 tờ rơi với 550 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng; thực hiện treo 285 băng-rôn tuyên truyền trực quan về Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động.
Đối với các nạn nhân bạo lực gia đình, toàn tỉnh đã tổ chức 10 cuộc truyền thông giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em, người đỡ đầu, thầy cô giáo cho hơn 500 đại biểu; tổ chức 15 cuộc truyền thông về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các xã, phường, thị trấn và các câu lạc bộ bình đẳng giới với hơn 500 đại biểu tham gia. Tại các cơ sở tạm giữ, tạm giam, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện, ngành chức năng đã tổ chức 25 cuộc giáo dục cho 2.357 lượt đối tượng tham dự, cấp phát 5.500 tờ gấp pháp luật.
Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh còn chủ động yêu cầu các cơ quan hữu quan thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Theo đó, phát hành 2.850 tờ gấp pháp luật với nội dung “Quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính”; Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện 11 vụ việc cho 11 trường hợp là người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Từ đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng đa chiều để người dân, người khuyết tật được tiếp cận các thông tin về dịch vụ pháp lý miễn phí và các hoạt động trợ giúp pháp lý.
KIM PHƯỢNG