Vai trò kiểm sát xét xử để những bản án đúng pháp luật
Năm 2024, để không có những bản án oan sai, không bỏ lọt tội phạm, ngành Kiểm sát tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với các nhiệm vụ được giao; kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố, truy tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Trong đó, 100% các vụ án được truy tố đúng thời hạn, không oan sai; tỷ lệ bắt giữ chuyển khởi tố hình sự 100%; tỷ lệ kháng nghị, kiến nghị được các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan chấp nhận vượt chỉ tiêu được giao.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Ảnh: K.K
Trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân (Viện KSND) 2 cấp đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của kiểm sát viên (KSV) tại phiên tòa. Trong giải quyết từng vụ án, từng KSV đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc xét hỏi, tranh tụng, làm rõ các vấn đề trước khi phát biểu quan điểm giải quyết, đối đáp có căn cứ và đầy đủ các ý kiến của luật sư, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác. Tích cực phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng tranh tụng của KSV. Trong năm qua, Viện KSND đã phối hợp với Tòa án tổ chức 69 phiên tòa rút kinh nghiệm; đưa ra xét xử lưu động 18 vụ.
Viện KSND 2 cấp cũng đã tổ chức kiểm sát chặt chẽ bản án, quyết định của Tòa án, kịp thời ban hành kháng nghị đối với bản án, quyết định phát hiện có sai sót; chủ động rà soát báo cáo cấp trên kháng nghị đối với các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm sát đã kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm 12 vụ, 36 bị cáo; tỷ lệ kháng nghị của Viện KSND được Tòa án xét xử chấp nhận đạt 100% (tăng 11,8% so với năm 2023, vượt 20% so với yêu cầu Nghị quyết 96/2019/QH14 của Quốc hội). Qua kiểm sát đã ban hành 21 kiến nghị đối với Tòa án; ban hành 6 thông báo rút kinh nghiệm, khắc phục các hạn chế trong quá trình xét xử, để những bản án khi được ban hành đúng pháp luật, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm và sớm có hiệu lực thi hành.
Từ đó đảm bảo sức răn đe, phòng ngừa chung với các loại án hình sự; sự đồng thuận cao của người dân với các loại án khác như dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình… Đúng như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt, phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; đặc biệt chú ý và làm tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, thực hành quyền công tố với tinh thần “Sớm hơn, sâu hơn, sát hơn, sắc hơn”.
KIM TUẤN