Vấn nạn ô nhiễm môi trường - Đừng để người dân tự bơi
Dù người dân đã phản ánh rất nhiều, nhưng dòng kênh đầy ứ rác ở cống thuộc xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình) vẫn tồn tại như một thách thức nhiều năm qua. Rác nhiều đến nỗi chúng không còn trôi đi đâu được mà kết lại thành bè rác, thành bãi rác khổng lồ dưới sông. Thế nhưng, chính quyền sở tại, người dân địa phương lại mặc nhiên xem đây là điều bình thường.
Sau khi họp chợ, rác vung vãi đầy đường (ảnh lớn) và ly nhựa được bỏ ngay tại cống thoát nước (ảnh nhỏ)(ảnh chụp tại Phường 3, TP. Bạc Liêu). Ảnh: K.P
Không chỉ mỗi dòng kênh ấy, tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường hiện hữu khắp nơi. Điều khiến người ta bức xúc chính là thái độ thờ ơ của một bộ phận không nhỏ từ người dân đến những người làm công tác quản lý nhà nước, nhất là ở cấp xã, chính quyền cơ sở gần dân nhất nhưng lại hầu như ít quan tâm nhất đến công tác bảo vệ môi trường. Họ xem như đây là chuyện không của gia đình mình, địa phương mình.
Trong khi rất nhiều quốc gia trên thế giới, người dân phải phân loại rác thành nhiều loại, từ rác hữu cơ, vô cơ, đến các chất thải độc hại cho môi trường, chất thải rắn… thì ở nước ta hiện nay, vẫn còn rất nhiều người dân, thậm chí còn không có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định. Và dù Luật Bảo vệ môi trường đã có hiệu lực nhiều năm, nhưng trừ những trường hợp xử phạt đối với một số cơ sở sản xuất xả thải do cơ quan quản lý môi trường thực hiện thì còn lại, hiếm khi thấy chính quyền cơ sở tiến hành xử phạt các hộ dân vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Việt Nam không thiếu luật, không thiếu các chính sách cũng như chế tài để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, điều mà chúng ta thiếu chính là việc thực thi pháp luật, thực thi các chính sách ấy như thế nào trong cuộc sống. Ngay như trường hợp quy định về bỏ rác đúng nơi quy định, phải có thùng đựng rác để dễ thu gom thì hiện tại, ngay như trong các khu dân cư trên địa bàn TP. Bạc Liêu vẫn còn khá phổ biến tình trạng người dân quăng rác xuống cống rãnh, hay đựng rác trong những túi nylon bỏ ở góc đường, vỉa hè. Hành động này vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa gây ô nhiễm môi trường nhưng cũng chẳng thấy ai nhắc nhở, xử lý. Lâu dần người ta coi việc vi phạm đó trở thành bình thường, thành thói quen.
Túi nylon trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nylon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị, thậm chí cả những trung tâm thương mại lớn. Đặc biệt ở các chợ dân sinh, dù bạn mua chỉ một túm rau thì cũng được người bán cấp ngay cho một túi nylon để đựng. Và theo quan sát, rất ít bà nội trợ nói không với túi nylon, ngay cả khi đang xách theo giỏ đi chợ. Chỉ có tác dụng từ chợ về đến nhà, những chiếc túi nylon ấy ngay lập tức trở thành rác, bị quăng đi. Nếu chúng ta biết rằng, để một túi nylon có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên phải mất từ 500 năm trở lên, và liên tưởng đến số lượng túi nylon mà con người thải ra hàng ngày. Rõ ràng, trong các loại rác thì rác thải nhựa, với đặc tính bền vững trong tự nhiên như chai nhựa, ly nhựa, túi nylon… cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và sẽ còn tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người hàng trăm năm.
Nói như thế không có nghĩa tất cả mọi người đều không có ý thức bảo vệ môi trường. Hiện nay, tại Bạc Liêu cũng có rất nhiều cá nhân, tổ chức góp công, góp của ra sức bảo vệ môi trường sống hàng ngày của chúng ta. Điều đó thể hiện qua những hành động thiết thực, đơn giản như nhặt rác, làm vệ sinh môi trường ở các dòng kênh, đến việc tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng dân cư, rồi đến các công trình, phần việc nhằm bảo vệ môi trường như đổi rác lấy gạo, nói không với rác thải nhựa, những cánh đồng không còn chai thuốc trừ sâu…
Tuy nhiên, chỉ bao nhiêu đó thôi cũng chưa đủ, bởi vấn đề bảo vệ môi trường là việc hàng ngày, hàng giờ. Nó rất cần sự chung tay, quyết liệt từ phía chính quyền địa phương, phải xử lý nghiêm khắc không chỉ là những hành vi gây nguy hại cho môi trường nặng nề mà ngay cả việc bỏ một túi rác bừa bãi không đúng nơi quy định cũng phải được xử lý đến nơi đến chốn thì mới có thể nâng cao ý thức của người dân. Và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng rác thải dồn ứ ở các dòng sông, kênh rạch, các nơi công cộng như một lẽ tự nhiên.
Kim Kim
- Sở LĐ-TB&XH: Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2025
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng