Xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo dựa vào quy chuẩn như thế nào?
Hỏi: Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 được xác định như thế nào? Trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện chính sách liên quan đến hộ nghèo, hộ cận nghèo được quy định ra sao?
Nguyễn Huỳnh Thanh Nhi (TP. Bạc Liêu)
Trả lời: Khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2021 của Bộ LĐ-TB&XH quy định, phương pháp dùng để rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện trên các biểu mẫu có sẵn, dựa trên các tiêu chí như mức thu nhập bình quân đầu người được tính bằng cách chia tổng số thu nhập của hộ dân cư cho số nhân khẩu của hộ và chia cho 12 tháng.
Mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như dịch vụ về y tế, giáo dục, giải trí, tham gia và thông tin để phân loại và chấm điểm, từ đó có thể xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo để có những chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời.
Đối với quy định về thu nhập bình quân đầu người/tháng để phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025, theo đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình ở mỗi khu vực sẽ có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng khác nhau. Đối với khu vực thành thị, mức sống của người dân cao hơn, do đó mức thu nhập bình quân đầu người/tháng cũng cao hơn so với khu vực thành thị. Ngoài ra, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cũng là yếu tố phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình.
* Về trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị định 07 quy định, chính quyền phải tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; phân loại đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội hằng năm; xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình hằng năm.
Truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn; tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa bàn.
Dựa trên điều kiện và khả năng thực tế của địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xem xét nâng tiêu chí thu nhập cao hơn chuẩn nghèo đa chiều quốc gia với điều kiện tự cân đối ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật và bổ sung tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (dịch vụ, chỉ số thiếu hụt), điều chỉnh ngưỡng đo lường các chỉ số thiếu hụt để thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
Thân ái!
Luật gia KIM PHƯỢNG