Ý kiến bạn đọc

Xin đừng làm khó người lao động tự do trong việc hỗ trợ mùa dịch

Thứ Tư, 28/07/2021 | 16:04

Đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến cuộc sống của nhiều người, trong đó những lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động là gặp khó khăn nhiều nhất. Họ sẽ bị dồn đến đường cùng nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền, từ những tấm lòng thơm thảo.

Rất nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân, nhất là người lao động bị mất việc làm đã được Chính phủ ban hành, các địa phương ngay lập tức triển khai thực hiện. Bạc Liêu cũng đã nhanh chóng ban hành nhiều quyết định để kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tỉnh chủ trương đúng, các huyện, thị xã, thành phố triển khai cũng kịp thời, nhưng đến khi tới phường, xã, thị trấn và giao về các khóm, ấp thì mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu. Và nhiều nơi, trưởng ấp, trưởng khóm áp dụng cứng nhắc quy định, thậm chí là còn tự “đẻ” thêm nhiều thủ tục gây phiền hà và khó khăn hơn cho người dân.

Như trường hợp thực hiện Quyết định 310 của UBND tỉnh Bạc Liêu ngày 17/7/2021 về việc quy định đối tượng, mức chi chính sách liên quan đến hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Quyết định này nhằm hướng dẫn cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời nhất dành cho những đối tượng thuộc diện yếu thế trong xã hội. Đối tượng được thụ hưởng chủ yếu là những người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (gọi chung là lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu làm một trong các loại công việc: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe mô tô 2 bánh chở khách, bán vé xổ số lưu động, công nhân lột tôm, công nhật, đi ghe lưới, kéo tôm, thợ hồ, phụ hồ, hớt tóc, làm tóc, làm móng tay, chân, tài xế, lơ xe, chạy đò chở khách, giúp việc nhà, bảo vệ…

Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/lần nếu mất việc từ một tháng trở lên. Quyết định chỉ yêu cầu người lao động tự do cung cấp Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, thẻ Bảo hiểm y tế đến trụ sở khóm, ấp và điền thông tin vào đơn đề nghị hỗ trợ. Trưởng khóm, ấp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, công an trên địa bàn (nếu cần thiết) để rà soát, xác nhận cho đối tượng hưởng chính sách. Nhiều nơi đã thực hiện đúng như hướng dẫn trong Quyết định 310. Tuy nhiên, không ít nơi lại bắt người lao động phải đi xác nhận là đã làm việc ở đâu thì mới được lập danh sách. Nhiều người trước giãn cách xã hội làm công việc giúp việc nhà, hoặc làm các công việc rày đây mai đó như kiểu “ai kêu gì thì làm nấy” thì đi đâu để xác nhận, hoặc khi họ sinh sống ở địa phương này lại đi làm ở địa phương khác. Nhất là trong khi đang giãn cách xã hội, mà trưởng khóm, trưởng ấp lại yêu cầu người lao động phải đi xác nhận vào đơn là không đảm bảo tinh thần phòng, chống dịch. Hoặc những người hành nghề lái xe ở địa phương ai cũng biết, nhưng bắt họ phải đi tìm những nơi đã hợp đồng lái xe tải để xác nhận. Thậm chí, bảo vệ có thẻ của công ty phát hành ra, nhưng cũng bị bắt phải đến công ty để xác nhận lại. Hay như trường hợp anh T. đã cưới vợ và sinh sống hợp pháp ở Bạc Liêu nhiều năm, nhưng hộ khẩu còn ở TP. Hồ Chí Minh, giờ bị yêu cầu về TP. Hồ Chí Minh lãnh tiền trợ cấp. Trong khi Quyết định 310 chỉ yêu cầu người lao động “cư trú hợp pháp tại địa phương”.

Rất nhiều trường hợp lao động tự do vì quá nhiều thủ tục nhiêu khê phát sinh thêm ngoài quy định cản trở, nên không thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Đây là điều cần phải được chấn chỉnh, bởi nó trái với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta là nhanh chóng và hỗ trợ kịp thời cho người lao động.

Khánh Minh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.