Xin giải quyết ly hôn cũng lắm nhiêu khê?!
Bà Y. là nông dân chính hiệu 100%, chữ nghĩa chỉ đủ đọc viết để hiểu thôi mà nay phải dẫn theo đứa cháu ngoại gõ cửa tòa án. Bà đi tới lui mấy lần rồi, mà chuyện ly hôn của con gái bà vẫn chẳng có kết quả. Lý do mà tòa án từ chối thụ lý giải quyết yêu cầu ly hôn vì không có địa chỉ của bị đơn.
Ảnh minh họa: T.L
Bà Y. và con gái của mình đã nhiều lần liên hệ với tòa án để xin được giải quyết ly hôn nhưng lần nào cũng được hướng dẫn phải cung cấp được địa chỉ của người chồng thì tòa mới thụ lý giải quyết. Mà thằng con rể của bà cố tình không cung cấp địa chỉ chỗ ở mới của nó cho con gái bà. Bà Y. bức xúc nói: “Tui cũng không muốn con gái mình khổ, thôi chồng cũng mang tiếng với xóm giềng. Nhưng thằng rể này không xài được nữa rồi, nó không lo cho vợ con, bỏ nhà đi biệt mấy năm nay. Vợ con nó tui nuôi, tui bảo bọc. Giờ tui muốn con gái tui được tự do, để nó còn có thể tìm được hạnh phúc mới. Mà ly hôn thì không được, tại không biết địa chỉ của thằng rể, khổ gì đâu”.
Trường hợp như con gái bà Y. không hiếm, nhiều tòa án từ chối thụ lý, hoặc đình chỉ giải quyết vụ án, yêu cầu nguyên đơn phải cung cấp địa chỉ của bị đơn thì mới tiếp tục giải quyết. Mà nếu đối phương cố tình che giấu địa chỉ, ém nhẹm thông tin, thật sự rất khó để tìm ra nếu không có các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc. Nhiều người phụ nữ vì vướng mắc này mà chấp nhận chung sống với người đến sau trong thiệt thòi. Không thể đăng ký kết hôn, những đứa con sau đó không được làm giấy khai sinh, không hưởng quyền lợi từ người cha. Nếu phát sinh tranh chấp về tài sản, quan hệ hôn nhân không có cũng không được pháp luật bảo vệ.
Đắng lòng là những vướng mắc này lại sinh ra từ sự giải quyết không nhất quán của cơ quan “cầm cân nảy mực”.
Hướng dẫn của TAND Tối cao về trả lại đơn khởi kiện nêu, trường hợp Tòa án đã yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng nguyên đơn không cung cấp được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp Tòa án không xác định được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Trên thực tế, không phải trường hợp nào tòa án cũng trả đơn không giải quyết, bởi nó còn tùy thuộc vào nhận thức của từng thẩm phán, từng tòa án. Nếu thụ lý, Tòa án sẽ tiến hành niêm yết công khai các văn bản tố tụng tại trụ sở Tòa án, trụ sở UBND cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của bị đơn và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó vẫn tiến hành giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật. Nếu không thụ lý, Tòa án dựa vào lý do không xác minh được địa chỉ nơi ở mới của bị đơn nên đình chỉ việc giải quyết vụ án hoặc từ chối thụ lý. Cũng có trường hợp, Tòa án tác động cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện và đề xuất làm thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Tuy nhiên, thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích cần nhiều quy định, nếu được cũng phải chờ đợi thời gian dài mới có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn với người bị tuyên bố mất tích. Giải quyết theo cách này, vừa mất thời gian, vừa tổn thất tiền bạc cho đương sự.
Những trường hợp nguyên đơn không hiểu pháp luật, kiểu như con gái bà Y. chẳng hạn, làm sao biết mình được quyền yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn theo quy định pháp luật, làm sao tranh cãi với Tòa để được thụ lý vụ án trong rất nhiều quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này. Họ chỉ đành loay hoay trong mớ bòng bong, không biết tiến thoái như thế nào.
Rõ ràng, với những hướng dẫn kiểu như vậy của Tòa án, tạo ra nhiều cách hiểu, cách giải quyết không thống nhất, có phần tùy tiện, đẩy cái khó về cho người dân cần phải được chấn chỉnh.
KIM PHƯỢNG