Xử lý nghiêm những hành vi gây hại môi trường
Cuối năm 2021, cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ môi trường (BVMT); xử lý nghiêm những hành vi cố ý gây tác hại đến môi trường làm ảnh hưởng đến việc sản xuất - kinh doanh, sức khỏe của Nhân dân.
Cử tri xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình) kiến nghị sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ảnh: KP
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) trả lời như sau:
Công tác BVMT, khắc phục ô nhiễm môi trường đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng như toàn xã hội hết sức quan tâm. Nhận thức rõ những thách thức, áp lực rất lớn của công tác BVMT, Chính phủ, Bộ TN-MT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường từ việc hoàn thiện chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động giám sát trong lĩnh vực BVMT. Thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, tiếp cận mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường, hài hòa giữa vấn đề môi trường với vấn đề kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, Bộ TN-MT đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giảm số lượng các cơ sở thanh tra theo kế hoạch, tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung vào các cơ sở có quy mô lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe và tạo dư luận buộc các cơ sở đang hoạt động sản xuất - kinh doanh phải quan tâm, đầu tư cho môi trường.
Từ năm 2009 đến nay, Bộ TN-MT đã thanh tra tổng cộng 6.768 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh/thành phố trên cả nước. Qua đó đã phát hiện và xử lý gần 3.000 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính lên tới hơn 446,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT, thời gian qua, Bộ TN-MT đã tham mưu cho Chính phủ các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.
Theo đó, hành vi vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường sẽ bị xử phạt tối đa đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, Nghị định cũng đã quy định xử phạt hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường với mức phạt mang tính răn đe. Bên cạnh việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền, còn áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở, đình chỉ hoạt động của cơ sở và buộc khắc phục hậu quả theo quy định.
Hiện nay, Bộ TN-MT đang chủ trì xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT để phù hợp với quy định của Luật BVMT năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành theo kế hoạch. Dự kiến đề xuất nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường như: hành vi xây lắp, lắp đặt các thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường; hành vi không xây lắp công trình BVMT, hành vi không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình BVMT… Đồng thời, áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn đối với nhiều hành vi vi phạm.
Trong thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường nắm bắt thông tin, rà soát, xác minh, kịp thời đề xuất tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, tập trung vào các quy định mới tại Luật BVMT năm 2020.
Kim Phượng (tổng hợp)
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng
- Ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan đầu năm mới