Phóng sự - Ký sự
Bầu cử xưa và nay
70 năm trước, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định tính hợp pháp của một Chính phủ dân chủ. Người dân Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân của một nước độc lập. 70 năm sau, đi bầu cử đã là một nghĩa vụ được công dân thực hiện một cách nghiêm túc!
Ngày xưa nô nức đi bầu
Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16 và 17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên” (Tài liệu tuyên truyền về 70 năm Quốc hội Việt Nam).
Theo các tài liệu cũ, để chuẩn bị Tổng tuyển cử, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do UBND các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện cho mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.
Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.
Kết quả Tổng tuyển cử được báo chí đưa tin rộng rãi. Báo Cứu quốc ra ngày 18/1/1946 đăng trang 1 tin tổng tuyển cử ở một số tỉnh trong cả nước như Bắc - Ninh, Phủ Lý, Thừa - Thiên… trong đó có Bạc Liêu. Tin ghi (xin chép nguyên văn) “Bắc - liêu, 12-1 (VNTT) - Số cử tri: 203.908, số người đi bầu: 185.023 (90,77%). Danh sách các vị trúng cử như sau Nguyễn - văn - Đính: 161.717 phiếu, Nguyễn - Thị - Huệ: 155.652 phiếu, Cao - Triều - Phát: 140.904”.
Sách lịch sử Đảng bộ tỉnh (tập 1) thì kể rõ ràng hơn tình hình bầu cử ở Bạc Liêu lúc bấy giờ: “Giữa lúc Pháp đánh chiếm ồ ạt hầu hết các tỉnh Nam bộ, Tỉnh ủy lại nhận được chủ trương tổ chức bầu cử Quốc hội. Ngày 6/1/1946, trên 95% cử tri trong tỉnh nô nức đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Tỉnh ủy viên, Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc tỉnh, đại diện Mặt trận Việt Minh; cụ Cao Triều Phát, đại diện Cao đài Hậu Giang và ông Nguyễn Văn Đính, đại diện trí thức đã đắc cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Qua những tài liệu lịch sử để lại cho thấy, tỷ lệ cử tri đi bầu ngay lần bầu cử Quốc hội đầu tiên đã rất đông. Người dân nô nức thực hiện quyền dân chủ của mình.
Cán bộ xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) cấp phát tiểu sử ứng cử viên để đưa về các tổ bầu cử. Ảnh: M.Đ
Ngày hội non sông hôm nay
Từ năm 1946 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 13 khóa, mỗi khóa gắn liền với một giai đoạn lịch sử của đất nước. Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp luôn là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả nước cũng như từng cấp, từng ngành ở mỗi địa phương. Mỗi lần bầu cử thật sự như một ngày hội của non sông. Nhưng để có những ngày hội vui đó, đã có biết bao công sức của những người làm công tác bầu cử, từ cấp cao nhất đến thấp nhất, từ khi bắt đầu triển khai cho đến khi cuộc bầu cử hoàn toàn thành công. Và có những câu chuyện bên lề công tác bầu cử không phải ai cũng biết.
Chùa Ghositaram (chùa Cù Lao, ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) với kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Nam tông, là một trong những điểm sinh hoạt tôn giáo của bà con dân tộc Khmer trong vùng, cũng là điểm dừng chân hấp dẫn của du khách khi về Bạc Liêu. Với chính quyền huyện Vĩnh Lợi, xã Hưng Hội tới những cán bộ cơ sở ở ấp Cù Lao thì đây là một địa chỉ quen thuộc để đặt… tổ bầu cử! Ông Thạch Hiếu, Tổ trưởng Tổ bầu cử đặt tại chùa Cù Lao cho biết, không chỉ có bầu cử lần này, từ năm 1975 đến nay, khi mới tham gia công tác ở ấp đến bây giờ là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp, khóa nào ông cũng tham gia công tác bầu cử. Và bầu cử khóa nào cũng có tổ bầu cử đặt ở ngôi chùa này. Với sự hỗ trợ nhiệt tình của Thượng tọa Hữu Hinh, Trụ trì chùa, việc đặt tổ bầu cử ở đây hoàn toàn thuận lợi. Rộng rãi, tọa lạc ở trung tâm ấp, lại là điểm sinh hoạt tôn giáo tôn nghiêm nên cử tri đi bầu rất nghiêm túc. Nhà chùa không chỉ cho mượn điểm mà còn dọn dẹp, vệ sinh chỗ làm việc cho tổ bầu cử.
“Thuận tiện cho cử tri đi bầu”, với tiêu chí chọn địa điểm đặt tổ bầu cử này làm xuất hiện nhiều tổ bầu cử đặt ở các chỗ đặc biệt như chùa, miếu, quán cà phê. Nếu tổ bầu cử số 4 của phường 3 (TP. Bạc Liêu) đặt tại hội trường ở trụ sở phường, điểm bầu cử trung tâm của TP. Bạc Liêu, có máy lạnh rì rì mát mẻ thì tổ bầu cử số 2, thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) đặt ở quán cà phê cũng rộng rãi, thoáng mát. Dù ở chùa hay ở nhà dân thì công tác bảo vệ an ninh cũng đặt ở mức cao nhất với mục tiêu: đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử! Và dù ở đâu thì sự hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân với tổ bầu cử cũng luôn hết lòng, giúp họ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cuộc bầu cử đã huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi tổ chức chính trị - xã hội có nhiệm vụ riêng với cuộc bầu cử và đều rất vất vả từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc bầu cử. Nếu những ngành tỉnh, huyện ngập đầu trong những con số báo cáo, biểu mẫu thì cơ sở “đổ mồ hôi hột” với chuyện nắm danh sách cử tri, thống kê phiếu bầu... Các tổ bầu cử phải làm việc đến khuya là chuyện bình thường trong ngày bầu cử. Có những chuyện không hề có trong báo cáo như chuyện mà bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh kể cho cánh báo chí nghe bên lề một buổi phỏng vấn: trong bầu cử nhiệm kỳ trước, có một cử tri không chịu đi bầu cho dù đã trễ với lý do “chưa hết giờ, muốn đi bầu lúc nào thì đi”; Tổ bầu cử phải nhờ đến con của bác cử tri ấy đi chở về để thực hiện quyền bỏ phiếu của mình!
Mọi nỗ lực tích cực luôn mang đến những kết quả mỹ mãn, đó là sự thành công của bầu cử các nhiệm kỳ trong 70 năm qua. Và sự thành công đó đang được chờ đợi trong ngày 22/5 tới!
Thanh Lâm
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường