Phóng sự - Ký sự
Câu chuyện nỗi đau
Người ta hay gọi thảm họa chất độc da cam là “nỗi đau da cam”. Tôi thì muốn gọi đó là nỗi đau không màu, bởi không thể phủ lên nỗi đau một màu nào đó khi nó tàn phá cơ thể và tâm hồn con người một cách tột cùng như nỗi đau chất độc này để lại. 55 năm kể từ ngày quân đội Mỹ rải thứ hóa chất độc hại xuống những vùng đất xanh hiền hòa của Việt Nam, nỗi đau vẫn mang những khuôn hình khác nhau, gieo rắc những ám ảnh mà có lẽ đến khi nhắm mắt xuôi tay, người ta mới thôi không bị nó gặm nhấm tâm trí.
Em Trần Yến Thanh và mẹ. Ảnh: L.A
Nỗi đau không màu
Mưa dầm. Con đường về ấp Hoàng Quân 2 (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) hun hút trong buổi chiều mưa ảm đạm. Bước qua cây cầu khỉ mong manh nối vô rẻo đất trơn tuột, tôi bước vô nhà anh Trần Văn Kiếm khi mưa vẫn rắc hạt trên mái lá xiêu vẹo của ngôi nhà tình thương đơn sơ đến mức không cần nhiều từ để miêu tả. Cả nhà, hai vợ chồng, hai đứa con quây quần trong buổi chiều mưa lạnh. Thật ra thì chỉ có hai vợ chồng và đứa con gái nhỏ trò chuyện với khách, còn Trần Yến Thanh, đứa con đầu vẫn bất động trên tấm phản nhỏ, mấy ngón tay xương xẩu, khúc khuỷu cứ khều khều những thứ chẳng ra đồ chơi đặt trước mặt. Câu chuyện của chúng tôi có Thanh là nhân vật chính, đứa trẻ, thật ra là một thanh niên 23 tuổi, nhiễm chất độc da cam. Khi thứ hóa chất có màu của sự sống đó được quân đội Mỹ rải dọc theo dòng Vàm Lẽo để diệt đường tiến của quân kháng chiến, cha của em chỉ là một người dân bình thường sống trong vùng đất hiền lành bên bờ sông. Nên khi em sinh ra, rồi thêm một đứa em trai nữa ra đời cũng cùng triệu chứng: chân yếu dần, sau đó tự đứng lên không được và đến lượt cả cơ thể teo tóp, quặt quại, cha mẹ em chỉ nghĩ đó là số phận dành cho những đứa con trai của mình.
Cõng con đến trường mong cho con biết mặt chữ, cõng con đi trị bệnh khắp nơi, rồi cũng đến lúc anh Kiếm và vợ phải dừng lại và chấp nhận sự trớ trêu của số phận. Cuộc đời của Yến Thanh và Chí Thanh cứ héo quắt như thân hình của các em. Số phận đùa giỡn với những đứa trẻ không chỉ bấy nhiêu. Yến Thanh và Chí Thanh không hề khuyết tật về trí não, một cơ thể dị dạng nhốt một trí óc minh mẫn với đầy đủ nhận thức của một người bình thường! Hơn năm trước, hai anh em còn chơi với nhau trên cái tấm phản đã dính chặt với cuộc sống các em từ mười mấy năm. Tròn một năm nay, từ khi Chí Thanh vĩnh viễn ra đi, Yến Thanh chỉ còn những đồ vật vô tri trước mặt để khều khều, cái tivi rọt rẹt để coi buổi tối và đứa em gái thỉnh thoảng đến chọc. Hỏi Thanh có muốn ra ngoài chơi không, em mím môi, buông chữ “không” nhẹ hều, ánh mắt trôi theo dòng nước ở con kênh trước nhà, vô hướng. Tôi chịu, không biết em đang nghĩ gì trong cái nhìn xa miết đó!
Ra khỏi nhà anh Kiếm, tôi chợt nhớ câu chuyện cô Huỳnh Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh kể. Câu chuyện về một thanh niên có hoàn cảnh tương tự như Yến Thanh nhưng không thể nói chuyện. Lần đoàn của tỉnh về thăm, anh đã dừng lại thật lâu ở cái bắt tay với cô gái trẻ trong đoàn. Nỗi đau làm sao có thể đo được khi một tâm hồn khát khao yêu thương bị cầm tù trong một thân hình dị dạng, không thể chạy nhảy, không thể vươn tới những ước mơ dù bình thường nhất?
Và bước qua nỗi đau
Không vào được nhà tận trong đồng, tôi gặp anh Huỳnh Văn Tòng (ấp Tà Suôl, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) tại nhà người anh ruột của anh đang công tác ở Hội Cựu chiến binh xã. Bước từ chiếc vỏ lãi lên là người đàn ông đen đậm, vạm vỡ, rắn chắc, chỉ có đôi chân là không bình thường với những bước đi cong quẹo. Được người anh giới thiệu trước “nó giỏi lắm, cái gì cũng làm được, giăng lưới, bắt cá, làm ruộng đều giỏi”, tôi vẫn không thoát khỏi cái ý nghĩ anh là một nạn nhân chất độc da cam. Bởi trong nhà anh, chất độc da cam đã để lại di chứng đến thế hệ thứ 3: đứa con gái út bị tâm thần. Đem suy nghĩ này nói với anh cùng câu hỏi “anh thấy mình thua thiệt người xung quanh cái gì”, người nông dân Sáu Tòng cười rộn “tui chỉ chạy là thua thôi, còn không thấy cái gì thua hết! Hồi đó cầm đôi trâu tôi có thể cày cả trăm công ruộng, bây giờ một mình tôi 7 - 8 công vuông”. Đến lúc này tôi hiểu tại sao anh lại được chọn là người đại diện cho nạn nhân chất độc da cam vượt khó của xã đi nhận khen thưởng dịp kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam sắp tới. Và từ lúc này, tôi không hỏi anh về những câu chuyện của một nạn nhân da cam nữa. Bàn trà chỉ rôm rả chuyện đời sống ở nông thôn, về những đứa con nay đã lớn khôn, lấy chồng, đi làm xa…
Theo số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh thì Hồng Dân là địa phương có nhiều nạn nhân chất độc da cam (đối tượng được hưởng chính sách) nhiều nhất tỉnh. Đó là chưa kể đến những người nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ 1, thứ 2 hay cả thứ 3 không được hưởng chính sách do không phải là người tham gia kháng chiến. Ông Phan Hoàng Chiến, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hồng Dân lý giải cho tôi nguyên nhân của “cái nhất” không mong muốn này: thời kháng chiến đế quốc Mỹ rải chất độc da cam gần như bao trọn cả xứ, vì đây là vùng căn cứ cách mạng, nhiều cơ quan đầu não của cách mạng đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều con em Hồng Dân còn tham gia kháng chiến ở các chiến trường miền Nam, khi trở về đã mang theo mầm cái chết trong người. Huyện nghèo, đời sống người dân chưa thật thấm khá thì nhà có người bị nhiễm chất độc da cam còn khổ trăm bề. Chưa có một số liệu thống kê chính thức nào từ phía cơ quan chức năng về số lượng người nhiễm chất độc da cam trong toàn tỉnh, bao gồm gia đình người đi kháng chiến, người dân thường và cả những người từng cầm súng ở phía bên kia, tuy nhiên hoàn cảnh chung của họ thì ai cũng biết: nghèo khó về vật chất, đau khổ về tinh thần. Nước mắt đã khô, nụ cười cũng héo, ước mơ của họ cũng dần thu nhỏ rồi biến mất giữa chập chùng khó khăn trước mắt!
Vì vậy những trường hợp vượt khó như anh Tòng mới thấy thật đáng quý, dù không phải ai cũng có đủ điều kiện kèm một chút may mắn khi khuyết tật không quá nặng nề như anh. Vòng tay giúp đỡ của xã hội để tiếp sức cho họ, vì thế mà luôn ấm áp và cần thiết!
Lâm Anh
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường