Phóng sự - Ký sự

Câu chuyện về những hiện vật thời chiến

Thứ Sáu, 29/04/2016 | 17:34

Hơn 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều người, nhất là thế hệ trẻ chỉ biết về hai cuộc chiến ác liệt chống kẻ thù xâm lược của dân tộc ta qua những bài học trên sách vở. Nhưng có nhiều cách khác để kể về lịch sử, trong đó có chuyện của những hiện vật thời chiến.

Chuyện kể của những hiện vật

Con đường từ thị trấn Phước Long về xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) men theo kênh 6000 gập ghềnh, chông chênh đất đá. Vượt thêm quãng đường vắng từ trung tâm xã về đến Khu căn cứ Tỉnh ủy (còn gọi là Khu căn cứ Cái Chanh) đóng sâu trong ấp Cây Cui, cái nóng hừng hừng cuối tháng Tư như đang thiêu đốt bỗng trở nên dịu mát hơn ở nơi này. Sự yên vắng, tĩnh lặng bao trùm khu di tích được xây dựng rộng rãi, quy mô nhưng lại rất hài hòa với màu xanh giữa vùng cây lá khiến bước chân chúng tôi cũng phải khẽ khàng hơn. Nhà trưng bày nằm ở trung tâm khu di tích chứa hàng trăm hiện vật được Bảo tàng tỉnh bàn giao về cho Ban quản lý khu di tích để trưng bày từ khi dự án xây dựng khu căn cứ hoàn thành. Tất cả những hiện vật này đều liên quan đến khu căn cứ trong giai đoạn từ khi là Xứ ủy Nam bộ, sau đó là Trung ương Cục miền Nam (thời kháng chiến chống Pháp), và cuối cùng là Tỉnh ủy Bạc Liêu (thời chống Mỹ). Câu chuyện mà những hiện vật đang nằm lặng lẽ trong những tủ kính trưng bày kể ra, lại rất hấp dẫn và sôi động hơn nhiều.

Bên ly trà đậm buổi sáng, ông Phan Văn Thiệt, Trưởng Ban quản lý khu di tích kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thú vị xung quanh việc sưu tầm những hiện vật đang được trưng bày. Đó là chuyện về cái lu có chiều cao và đường kính hơn 1m, có thể đựng được 70 - 80 đôi nước, được quân cách mạng tịch thu từ nhà cai tổng Trí ở quận Phước Long thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mang về căn cứ làm hầm trú ẩn cho đồng chí Lê Duẩn (nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ), nếu tính tuổi đời cái lu đến nay có cả trăm. Sau ngày giải phóng miền Nam, theo lời nhân chứng kể lại, cái lu vẫn còn được chôn đâu đó trong vườn một nhà dân trong vùng, những người đi sưu tầm phải dò tìm từng nhà. Mất mấy năm mới phát hiện ra chủ nhà sau khi tìm thấy có cái lu chôn trong vườn đã đem lên… đựng nước mưa! Cái lu được mang về, gần như nguyên vẹn, bệ vệ chiếm hẳn một góc trong nhà trưng bày. Kề bên đó là chiếc ghe lườn của đồng chí Võ Văn Kiệt dùng trong thời kỳ hoạt động ở đây, cũng được những cán bộ bảo tàng sưu tầm lên tận Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) mang về.

Cái lu làm hầm trú ẩn cho cố Tổng Bí thư - Lê Duẩn trưng bày tại di tích lịch sử cấp quốc gia Khu căn cứ Tỉnh ủy. Ảnh: Hoàng Lam

Hiện vật “trẻ tuổi” hơn là những lá thư viết tay đã ngả màu thời gian của ông Lê Quân, đặc phái viên khu ủy Tây Nam bộ gửi ông Nguyễn Tài Biển (Tư Biển) - nguyên Đội trưởng Đội Bảo vệ khu căn cứ; hay cây kéo của Thượng tọa Thích Hiển Giác, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu, 1 trong 3 người đi vận động Tỉnh trưởng Bạc Liêu - Nguyễn Ngọc Điệp đầu hàng, tạo nên chiến thắng không đổ máu 30/4 ở Bạc Liêu vang dội trong lịch sử. Cây kéo đó dùng để cắt vải may cờ, lá cờ treo lên ngọn me trước chùa Vĩnh Đức ngày 30/4/1975 đặt cạnh bên đã kể thêm một câu chuyện về những ngày sôi sục khói lửa 41 năm trước.

Và lời nhắn từ quá khứ

Trong nhà trưng bày khu di tích lịch sử, ngoài những hiện vật nguyên bản được sưu tầm, nhiều hiện vật được trưng bày là hiện vật phục chế như súng của quân dân ta, bộ quần áo của đồng chí Võ Văn Kiệt mặc trong thời kỳ hoạt động tại Bạc Liêu… Trong đó có nhiều hiện vật liên quan đến chiến thắng 30/4/1975 như bài diễn văn của đồng chí Nguyễn Thuận Triều, Chủ tịch Ủy ban quân quản tỉnh trong lễ chào mừng miền Nam đại thắng diễn ra ngày 17/5/1975. Phần đông những hiện vật trưng bày tái hiện lại quá trình sống và làm việc của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ khu căn cứ. Tham quan một vòng, chúng tôi dừng lại ở một góc của nhà trưng bày, có những đồ vật làm chúng tôi chú ý. Đó là ống đựng đũa, vá múc canh, mâm cơm… những đồ dùng quen thuộc, gắn bó với người dân quê được làm từ mảnh bom dầu, chất liệu đặc biệt chỉ có trong chiến tranh! Những hiện vật này được người dân sống gần khu căn cứ đóng góp như một chứng tích chiến tranh đã đi qua nơi đây và cách mà nhân dân đã đi qua chiến tranh như thế nào. Sống giữa lòng địch, che chở cho cách mạng, biến vũ khí giết người thành đồ dùng phục vụ cho cuộc sống, người dân Bạc Liêu cũng như nhân dân trên đất nước đầy vết thương chiến tranh này đã trải qua cuộc sống mấy mươi năm thời chiến nhiều hiểm nguy một cách hết sức gan góc, anh hùng nhưng cũng rất bình dị, chân chất.

Mặc dù trở thành địa danh anh hùng đi vào lịch sử Đảng bộ tỉnh, là nguồn tư liệu thực tế quý giá để thế hệ sau khi cần có thể đến tìm hiểu về lịch sử quê hương, cũng đã được Bộ VH-TT&DL công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Khu căn cứ Tỉnh ủy dường như vẫn chưa thể làm tốt sứ mệnh của mình. Hai cô gái thuyết minh viên Lê Thị Bé Sáu và Trần Bích Tuyền cho chúng tôi biết về tình hình tham quan khu căn cứ, giọng ít nhiều ngần ngại: “Chủ yếu là các đoàn khách từ các cơ quan, ban ngành, trường học đến tham quan. Khách lẻ chủ yếu là người dân trong vùng đi cùng gia đình. Có khi một tháng 2 - 3 đoàn, có khi không có đoàn nào. Riêng tháng 4 này có nhiều ngày lễ, nhưng đến giờ chưa thấy đoàn nào đăng ký trước. Chắc có lẽ đường khó đi nên người ta cũng ngại”. Khó đi bởi dự án làm đường về khu căn cứ từ trung tâm huyện Phước Long hay Hồng Dân đều vẫn còn “nằm trên giấy”. Khách đoàn muốn đến tham quan khu di tích phải đi đò, khách lẻ thì chạy xe máy trên con đường nông thôn đã xuống cấp trầm trọng. Ngại đường xa, khách nếu không có việc cũng chẳng tìm tới khu di tích mù xa này.

Chúng tôi từ giã ra về, quay ngược lại con đường chông chênh đất đá, miên man nghĩ về những câu chuyện xung quanh các hiện vật được trưng bày. Đó chẳng phải là những lời nhắn từ quá khứ, một quá khứ hào hùng của cả dân tộc mà quân và dân Bạc Liêu đã góp vào bằng sự gan góc, hy sinh anh dũng? Mong rằng lời nhắn ấy sẽ đến nhiều hơn, lan tỏa nhiều hơn trong các thế hệ nối tiếp để lịch sử được giữ gìn trọn vẹn ý nghĩa.

Thanh Lâm

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.