Phóng sự - Ký sự

Chào năm học mới

Thứ Tư, 05/09/2018 | 16:32

Dù là chiếc cặp hàng hiệu, đôi giày đắt tiền hay chiếc cặp ngả màu, đôi giày cũ không đủ tiền sắm mới, thì tất cả học sinh đều chung màu trang phục, đang cùng bước đến trường trong năm học mới. Trăm nỗi lo đầu năm học của các bậc cha mẹ đến giờ này cũng đã tạm… yên. Và, một xã hội coi trọng việc học tập được minh chứng rất rõ vào mỗi đầu năm học mới.

1. Phan Nhật Khang (ấp 21, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) năm nay bước vào năm học đầu tiên của cấp tiểu học. Cậu trò với dáng người nhỏ nhắn như còn lớp mầm non, thế nhưng năm nay phải học ngày 2 buổi. Nhà ở xã nhưng cha mẹ lại cho theo học trường ở trung tâm huyện. Thế là từ tờ mờ sáng, cậu trò nhỏ phải thức thật sớm. Có hôm phải ngủ gà ngủ gật trên xe mẹ chở, cho đến khi tới trường mới tỉnh giấc. 
Cha Khang là giáo viên cấp THCS ở trường xã. Giờ giấc đến trường, hết tiết cũng trùng với giờ đến lớp - về nhà của các con nên việc đưa đón con trai gần như mẹ Khang phải phụ trách. Hỏi sao không cho Khang học ở trường xã để tiện bề đưa đón, mẹ Khang bảo: “Dù biết vất vả nhưng chúng tôi muốn đầu tư việc học cho con mình tốt nhất trong khả năng. Điều kiện trường lớp ở trung tâm huyện tất nhiên tốt hơn trường xã rồi”. Mặc dù hiện nay, hầu hết trường học đều đã được đầu tư mọi mặt chỉn chu đón năm học mới, nhưng tâm lý chọn “trường tốt” cho con vẫn còn ở nhiều phụ huynh. Trường tuyến tỉnh hơn tuyến huyện, tuyến huyện hơn tuyến xã đã trở thành nếp nghĩ quen thuộc của nhiều phụ huynh. Cha mẹ Khang cũng vậy. Chồng là giáo viên, vợ phụ trách việc nội trợ kiêm việc chăm con học hành. Chị gái Khang năm nay lên lớp 9, biết chạy xe đạp điện nên việc đưa đón, mẹ chỉ tập trung cho mỗi mình Khang. Dù vậy, lịch của chị nhà cũng kín mít với những công việc nấu nướng, chợ búa, đưa rước con cái ngày mấy bận trên con đường đi về hơn 10 cây số.

Nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Anh Rô trao học bổng (do TS. Đặng Duy Anh tài trợ) cho sinh viên Trường đại học Bạc Liêu nhân đầu năm học mới. Ảnh: P.T.C

2. Chị Trần Thu Hạnh (phường 8, TP. Bạc Liêu) có đứa con gái duy nhất năm nay lên lớp 5, Trường tiểu học Kim Đồng. Công việc chuyển phát hàng hóa của chị thì đồng lương eo hẹp. Cho nên chuyện sắm sửa đầu năm học mới cho Mỹ Ngọc (con gái của chị) gần như chỉ dành cho những khoản bắt buộc. Cái gì còn tận dụng được của năm học rồi thì sử dụng lại cho năm nay.
Được vào học ở một ngôi trường bán trú mà nhiều người mơ ước là niềm vui mà 4 năm qua chị Hạnh vẫn không quên được. Chị Hạnh chia sẻ: “Lúc đó, việc làm của tôi không ổn định về giờ giấc, nên gửi con học bán trú là phù hợp nhất. Năm con gái tôi học lớp 1, thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên một người quen đã giúp đỡ. Đến bây giờ, mỗi đầu năm học, nghe người ta chạy trường cho con mà tôi luôn thầm biết ơn những người đã cứu xét để con tôi vào học ở trường”. Gần như bận bịu suốt ngày nhưng việc đưa đón con đi học luôn được chị Hạnh quan tâm hàng đầu. Năm nay, vác chiếc cặp ngả màu trên vai, bộ đồng phục không trắng lắm, nhưng tươm tất, Ngọc hồ hởi bắt đầu năm học mới như các bạn. Cô bé thổ lộ: “Con biết mẹ rất vất vả kiếm tiền cho con học hành. Con sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mẹ”. 
Những bậc cha mẹ nhọc nhằn gồng gánh đầu năm học mới như chị Hạnh không phải là ít. Dù nghèo khó, vất vả, họ đều mong con vui bước đến trường. Những trò nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như Ngọc cũng không hiếm nhưng ý chí học tập đã giúp các em vượt lên hoàn cảnh chính mình. 
3. TS. Đặng Duy Anh, một người con của quê hương Bạc Liêu đang tất bật theo đuổi những dự án nghiên cứu khoa học của mình ở tận đất Mỹ. Nữ tiến sĩ trẻ vẫn không quên lúc này là mùa khai giảng nơi quê nhà. Cô là “con gái rượu” của nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Anh Rô, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu. Nhờ người thân của mình, TS. Duy Anh đã gửi về 5 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng - là tiền tiết kiệm từ học bổng nghiên cứu khoa  học của cô) để tặng những sinh viên nghèo hiếu học của Trường đại học Bạc Liêu trước thềm năm học mới. Việc làm tuy nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn. Khuyến khích việc học, động viên lớp đàn em đồng hương hãy phấn đấu học tốt để thành công ở tương lai, đó là ý nghĩa của những suất học bổng mà nữ tiến sĩ trẻ gửi về quê hương. 
Phong trào khuyến học, khuyến tài luôn được xã hội quan tâm với nhiều hình thức, cách làm phong phú. Phong trào ấy lại dấy lên mạnh mẽ vào mỗi năm học mới. Những phần quà hữu ích, thiết thực được trao đến học sinh. Đó có thể là cặp sách, tập, viết, học bổng; cũng có thể là những chiếc xe đạp hay cặp phao cho học trò ở những vùng sông nước… Tất cả đều nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, an toàn nhất để các em vui bước đến trường. Hội Khuyến học các cấp, Ban Khuyến học, Chi hội Khuyến học ở từng cơ quan, đơn vị, huyện - thị xã - thành phố, xã - phường cũng được thành lập để đi vào hoạt động kịp lúc. Động viên, khích lệ, khen thưởng để khuyến khích phong trào học tập, cổ vũ cho một xã hội học tập là phương châm tối cao của những tổ chức này. Những doanh nghiệp, công ty, mạnh thường quân cũng chung tay cùng chính quyền địa phương, sát cánh với từng địa chỉ trường học. Mới thấy rằng, mỗi đầu năm học mới, bước chân đến trường của các em luôn có sự đồng hành của toàn xã hội.
Màu áo trắng lại tung bay trên những sân trường. Những chủ nhân tương lai của đất nước lại nô nức đón chào năm học mới với nhiều ước mơ, khát vọng. Các em đang được chắp cánh để bay cao, bay xa trên bầu trời như những quả bóng bay ngày khai giảng. Tình thương yêu, niềm hy vọng của mỗi bậc làm cha, làm mẹ là điều hiện hữu khi đưa con đến trường. Một năm học mới đã bắt đầu với bao hình ảnh đẹp cùng những thông điệp ý nghĩa như thế!
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.