Phóng sự - Ký sự

Chuyện sách ký sự

Thứ Sáu, 08/04/2016 | 15:32

Người xưa nói: “Thư trung hữu kim” (trong sách có vàng). Vàng trong sách là kho tri thức ngồn ngộn từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây mà không ai trên thế giới này có thể sở hữu tất cả. Khác với cái thời thiếu thốn cơm gạo thì nói chi tới sách, bây giờ sách đã dồi dào đến nỗi có người ví von “trên trời dưới sách”. Nhưng đây cũng là lúc “văn hóa đọc” được mang ra săm soi nhiều nhất…

Đi hội sách…

Nhận thư mời dự buổi giới thiệu ra mắt tự truyện “Niềm tin chiến thắng” (tái bản) của chị Kim Thư (một tác giả người Bạc Liêu, từng được giới thiệu trên báo Bạc Liêu) tại Hội sách TP. HCM lần thứ IX hồi cuối tháng 3 vừa qua, tôi bước vào một trong những hội chợ sách lớn nhất cả nước. Được tổ chức hàng năm, Hội sách TP. HCM quy tụ những nhà xuất bản (NXB) có tên tuổi trong và ngoài nước. Những tấm biển đầy màu sắc quảng cáo như “hơn 710 gian hàng, 300 ngàn tên sách với 30 triệu bản sách”… treo ngay trước cổng công viên Lê Văn Tám, nơi diễn ra hội sách cùng sự ra vào tấp nập của các bạn trẻ mang đến cho tôi cảm nhận về một nơi ồn ào, rộn rã, khác với thế giới vốn trầm mặc, lặng lẽ của sách. Những gian hàng sách trưng bày và bán sách của các NXB chen chúc nhau trên khoảng khuôn viên khá rộng của công viên. Sách và sách, đủ kiểu, đủ loại, chào mời từ trên kệ trong gian hàng, trên bàn được đặt hẳn ra ngoài mặt bảng giảm giá 20 - 30%. Tôi bước vào gian hàng NXB Trẻ, choáng với những đầu sách mới toanh lẫn những cuốn sách đã tái bản nhiều lần được dán tem “best seller” (sách bán chạy nhất) ngồn ngộn trên các kệ trưng bày. Lựa vài cuốn ưng ý, tôi ra quầy thanh toán. Một cậu học sinh trong bộ đồng phục đang thanh toán tiền đống sách trong giỏ, hơn 1 triệu đồng. Quầy bên, gian hàng của Fahasa, nhiều bạn trẻ đang túm tụm chơi trò chơi có thưởng, cũng về sách. Tại các quầy khác, khách hàng chủ yếu vẫn là người trẻ, trong đó có không ít học sinh còn nguyên đồng phục trên người.

Chiều hôm ấy, trước gian hàng của NXB Trẻ có hoạt động ký tặng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Theo thông báo, 18 giờ buổi ký tên bắt đầu. 18 giờ 10 phút, hàng người xếp trật tự, nghiêm túc và nhẫn nại (và cũng chủ yếu là trẻ) trước bàn ký tên của nhà văn chuyên viết cho “con nít” đã kéo dài mấy chục mét! Rồi tôi lại liên tưởng đến những lần ầm ĩ đón những ngôi sao ca nhạc, điện ảnh của giới trẻ Việt, họ hôn lên ghế, khóc thét… khi gặp mặt thần tượng. Hóa ra, sách luôn có cách làm người ta văn minh hơn trong ứng xử!

Buổi giới thiệu ra mắt sách “Niềm tin chiến thắng” của chị Nguyễn Thị Kim Thư diễn ra trong “Nhà chuyên đề”, dựng trong khuôn viên của hội sách nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá sách, giao lưu tác giả - tác phẩm. Dù là sách tái bản nhưng NXB Văn hóa - Văn nghệ đã cho thấy sự đầu tư nghiêm túc của họ với tác phẩm này khi tổ chức một buổi giới thiệu sách khá thu hút. Có tác giả - cũng là nhân vật chính, có những người bạn, nhân vật liên quan trực tiếp đến câu chuyện của tác giả. Có kịch bản với người dẫn chương trình khá quen thuộc với những buổi ra mắt sách như thế. Cho nên khá đông người đến dự, dù đã ít nhiều biết đến cuốn tự truyện của người phụ nữ chiến thắng bệnh ung thư này, thậm chí có người đã đọc sách như tôi, vẫn cảm thấy bất ngờ và thú vị.

Trong lúc xếp hàng chờ xin chữ ký nhà văn yêu thích, nhiều bạn trẻ đọc say mê tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: L.A

Làm sách tự truyện xem ra đang là xu hướng đang thu hút các NXB sách hiện nay. Tự truyện khai thác những câu chuyện mang tính cá nhân nhưng có tình tiết đặc biệt dường như luôn cuốn hút độc giả. Ngoài ra, những cuốn sách về dạy làm người, về tình yêu giới trẻ hiện đại… cũng đang trở thành “thời thượng”. Và để bán được sách, các NXB ngoài việc tạo ấn tượng cho mỗi tác phẩm thông qua những bìa sách “độc, lạ” còn siêng năng đi tìm kiếm những tác phẩm bán chạy trên thế giới, săn đón những tác phẩm mới nhất của các tác giả nổi tiếng. Âu đó cũng là cách làm cho thế giới sách thêm rực rỡ và người đọc thêm nhiều lựa chọn cho sở thích của mình.

Tìm về với sách

Chỉ một buổi chiều tối dự hội sách, tôi trở về trong tâm trạng vẫn chưa đủ thỏa mãn. Nếu thêm thời gian và thêm… tiền, chắc chắn tôi sẽ còn mang về nhiều sách hơn nữa. Bỗng nhiên tôi quan tâm: người Việt đọc bao nhiêu sách mỗi năm?

Lang thang trên mạng Internet, tôi tìm được vài con số khá thú vị. Năm 2014, theo khảo sát của Cục Thống kê, một người Việt đọc được 4 cuốn sách, trong đó có 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1,2 cuốn là các loại sách khác. Trong khi đó, năm 2013 và 2012, một thống kê khác cho thấy, người Việt chỉ đọc 3 cuốn sách/năm, trong đó có 2,2 cuốn là sách giáo khoa. Ở các nước châu Âu, châu Mỹ, trung bình mỗi người đọc khoảng 12 cuốn/năm, ít là mỗi tháng 1 cuốn, không kể sách giáo khoa. Tại Nhật Bản, học sinh - sinh viên luôn có trong túi xách 1 cuốn sách nhỏ để đọc trong lúc đi xe điện ngầm, đi tàu. Mỗi ngày đọc 1 - 2 trang, vài ba tháng đọc xong 1 cuốn sách. So sánh giữa các con số này thì thấy tỷ lệ sách được đọc của người Việt chỉ bằng 1/3 so với dân châu Âu, châu Mỹ. Dẫu sao thì tôi vẫn nhìn ra một dấu hiệu tích cực: xu hướng đọc sách của người Việt cũng đã tăng lên!

Ở Bạc Liêu, điều kiện để duy trì và phát triển “văn hóa đọc” trong người dân, nhất là giới trẻ không nhiều. Không có đường sách mở thường xuyên, càng không có hội sách mỗi năm một lần, nhưng cái thiếu nhất có lẽ là niềm hứng khởi với sách. Nguyễn Hồng Huyến, sinh viên năm cuối ngành Ngữ văn, Trường đại học Bạc Liêu, một cô gái mê đọc sách thẳng thắn nói về chuyện đọc sách của giới trẻ: “Giới trẻ ngày nay thờ ơ với việc đọc sách. Thị trường sách rất phong phú, nhưng các bạn một phần không mê sách, một phần dành thời gian quá nhiều cho Internet nên không thấy sự hứng khởi nào để đọc sách. Họ cho rằng lên mạng là có tất cả, cần gì phải sách”. Một nhận định khá chủ quan nhưng không phải là không có lý! Ngay tại lớp Ngữ văn 6 của Huyến, nơi tôi từng có dịp làm việc chung với các bạn sinh viên ở đây, việc đọc sách có lẽ là một điều khá tẻ nhạt so với lên mạng, đắm chìm trong thế giới của Facebook, Zalo... Và đọc sách, có chăng là những tác phẩm ngôn tình thời thượng.

Ở Thư viện tỉnh, nơi có nhiều sách hơn bất cứ nơi nào trong tỉnh, cũng là nơi thu hút khá đông người đọc sách tìm đến. Một không gian mở, đẹp, tĩnh lặng, số lượng sách khá phong phú trên các lĩnh vực, hoàn toàn lý tưởng để đắm mình trong sách. Nhưng theo một người bạn là độc giả thường xuyên đến thư viện để lấy không gian yên tĩnh cho việc làm đề tài nghiên cứu, thì những người có mục đích như chị đến thư viện không hiếm, có thể chiếm trên 50%! Với đối tượng học sinh - sinh viên thì càng nhiều hơn. Lại thêm một lần nữa nhìn về hướng tích cực, tôi suy nghĩ vậy cũng vui rồi, ít nhất người trẻ cũng đã đến gần bên sách thêm một bước. Và trách nhiệm của thư viện cũng như ngành Văn hóa là làm sao để việc đọc sách, mua sách trở nên hấp dẫn hơn trong những cuộc triển lãm sách, báo làm nhiệm vụ chính trị hàng năm; hay hơn nữa là kéo được những hội sách bổ ích về địa phương thay cho những “hội chợ hàng tiêu dùng” kèm trò lô tô đỏ đen!

Lâm Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.