Phóng sự - Ký sự
Có một ngôi chùa thờ các Mẹ Việt Nam anh hùng
Chùa Vĩnh Đức (phường 1, TP. Bạc Liêu) có lẽ là cơ sở tôn giáo duy nhất trong tỉnh thờ linh vị các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Người quản trị chùa vẫn đang sưu tầm hình ảnh tất cả các Mẹ VNAH của tỉnh để đưa về đây lo hương khói.
Ngôi chùa không đặc sắc về mặt kiến trúc, song đi sâu tìm hiểu sẽ thấy bao điều thú vị liên quan trực tiếp đến “Bạc Liêu ngày ấy, ngày không nổ súng”, nghệ thuật Đờn ca tài tử…
Từ thảo am trở thành di tích lịch sử văn hóa
Dù nằm ngay ngã tư đường Cách mạng - Lê Duẩn nhưng nếu không để ý thì khó thấy rõ ngôi chùa bởi hàng cây xà cừ ven đường che khuất. Bước qua cổng tam quan có mái cong hình vảy cá là một khoảng sân nhỏ, bên trái là chánh điện, bên phải là nhà dân, phía trước - cách cổng chừng vài chục thước là tháp mộ của người khai lập ngôi chùa và Hòa thượng Thích Hiển Giác. So với thời điểm được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2001, ngôi chùa đã có nhiều đổi khác. Ông Lê Hòa Hiệp, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh - người trực tiếp làm hồ sơ di tích lịch sử văn hóa chùa Vĩnh Đức, lần giở từng trang tập ảnh khảo tả, cho biết về tổng thể, không thay đổi nhiều, chỉ khác trước chánh điện, tượng Quán âm Nam Hải được thay bằng tượng Phật Di Lặc, chùa được sửa chữa, sơn mới khang trang hơn. Dù vậy, nhìn sơ một vòng chùa, những người bạn ở ngoài tỉnh quay sang hỏi tôi: “Chùa có gì đặc sắc mà đi xem?”. Sự hấp dẫn, thú vị của chùa Vĩnh Đức chỉ đến khi được cư sĩ Thích Quảng Thiệt, Trưởng ban quản trị chùa giới thiệu tường tận.
Điều thú vị đầu tiên là năm cất chùa trùng với năm sinh của Nguyễn Sinh Cung người sau này trở thành Hồ Chí Minh vĩ đại. Ban đầu là thảo am của một nữ tu trên khu đất rừng, muốn vô trung tâm thị tứ phải qua 2 cây cầu sắt. Thời kỳ này, do nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của người dân nên các cơ sở thờ tự, như: đình, chùa, miếu mạo của cả người Việt, Khmer và Hoa được xây dựng nhiều. Khi đó có ông Bùi Thiện Ngộ, người được học đến nơi đến chốn về chữ Pháp và chữ Hán, làm thư ký cho 1 nhà máy xay lúa ở Ngã Năm (Sóc Trăng) đến đây tìm nơi yên tĩnh để tịnh tâm, tu niệm. Sớm chiều tu luyện kinh Phật, thoát khỏi thế tục, không vướng bận trần đời tại làng Tân Hưng (quận Vĩnh Lợi, nay là phường 1, TP. Bạc Liêu), ông Bùi Thiện Ngộ lấy pháp hiệu là Thanh Phong. Chính sự hướng Phật của sư cụ Thanh Phong, năm 1890, đình Tân Hưng đã nhượng một phần đất để sư cụ cất chùa.
Cư sĩ Thích Quảng Thiệt thắp hương cho các Mẹ VNAH và nghệ sĩ.
Ảnh: N.Q
Cơ sở cách mạng trong lòng địch
Truyền thống cách mạng của ngôi chùa nhỏ này thêm đậm nét từ năm 1968, khi Thượng tọa Thích Hiển Giác từ chùa Long Phước (chùa Cô Bảy) về làm Trụ trì chùa Vĩnh Đức. Hạ tuần tháng 9/1969, tại chùa Vĩnh Đức diễn ra lễ truy điệu Bác Hồ theo nghi lễ Phật giáo, gần 100 người đến dự, trong đó có ông Lê Quân, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ngôi chùa từ lâu đã trở thành cơ sở của cách mạng ngay trong lòng địch. Trong một bản viết tay năm 1995, ông Lê Quân, ghi: “Tôi Lê Quân, Ngô Quang Ấn, anh tư Hồng, TT. Thích Hiển Giác nhứt trí lấy chùa Vĩnh Đức làm nơi trung tâm tập hợp các tầng lớp thân hào, nhân sĩ, trí thức, lãnh tụ tôn giáo yêu nước và đầu mối liên lạc cơ sở bí mật nội thành”.
Năm 1975, lần thứ hai Bạc Liêu giành chính quyền không tiếng súng có dấu ấn lớn của ngôi chùa này. Sáng 30/4/1975, từ chùa Vĩnh Đức, phái đoàn cách mạng đến gặp Đại tá - Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp tại dinh Tỉnh trưởng, yêu cầu vị này trao chính quyền sớm cho cách mạng. Ông Đoàn Thanh Vị, cố Bí thư Tỉnh ủy từng phát biểu: “Có những sự kiện lịch sử quan trọng mà đến một lúc nào đó phải được nói lên sự thật (…). Chính Tỉnh ủy phân công anh Tư Hồng, anh Ba Hiển Giác và anh Năm Quân sứ mạng đàm phán tranh thủ với Tỉnh trưởng Bạc Liêu Nguyễn Ngọc Điệp buộc phải giao chánh quyền cho cách mạng. Thắng lợi ngày 30/4/1975 giải phóng tỉnh Bạc Liêu sớm và không tốn xương máu có công của anh Ba Hiển Giác rất lớn”.
Thờ tất cả Mẹ VNAH của tỉnh
Thượng tọa Thích Hiển Giác được tấn phong hòa thượng năm 1992 và nay, tại khu dân cư Địa ốc (khóm 10, phường 1) có một con đường nhánh nối với đại lộ Nguyễn Văn Linh mang tên vị cao tăng này. Hòa thượng Thích Hiển Giác tên thật là Nguyễn Văn Đằng, nguyên quán tỉnh Bến Tre, tham gia cách mạng năm 1945, nhưng sau đó phải xuống tóc làm thầy tu để hoạt động bí mật. Hôm nay, người con trai của ông - cư sĩ Thích Quảng Thiệt lại làm một việc thuận lòng người, hợp đạo lý. Đó là thờ linh vị các bậc cao tăng, nghệ sĩ đờn ca tài tử, lãnh đạo tỉnh và đặc biệt là 536 linh vị Mẹ VNAH.
Thắp nén hương thơm xong, ngồi bên ấm trà, vị cư sĩ 71 tuổi kể cho tôi nghe nguồn cơn của việc làm này. Sau những lần đi thăm gia đình có thờ Mẹ VNAH, thấy có những nhà điều kiện đủ đầy, cũng có nhà, nơi thờ cúng còn tạm bợ, nhang khói chưa thường xuyên nên ông nảy ra ý định thờ linh vị Bà mẹ VNAH. “Lúc đó tôi có xin ý kiến Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng thì được lãnh đạo ủng hộ”, ông Thiệt cho hay. Từ đó, ông âm thầm lấy chân dung của các mẹ trong cuốn sách mà tỉnh phát hành về treo nơi trang trọng mà hương khói hàng ngày. Ở phần hậu tổ, cách chánh điện một vách tường ngăn, trên các nghi thờ của dòng Lâm tế chánh tông, phía góc cao bên trái và bên phải là linh vị của các mẹ. Nhiều người vô đây dâng hương cúng Phật đã thấy hình ảnh mẹ, bà của mình được thờ phụng đã ngạc nhiên thốt lên: “Mẹ /bà mình kìa!”.
Ông Dương Ngọc Lợi, con thứ bảy của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Mười, khi hay việc này đã xúc động chia sẻ: “Việc làm này của chùa Vĩnh Đức làm ấm lòng người đã khuất, gắn bó giữa người trước người sau. Ở chùa miễu mà tôn kính người có công là hết sức thiêng liêng, cần phát huy”. Cũng như những người con, người cháu khác có người thân được thờ nơi đây, ông Lợi và gia đình thường xuyên xuống viếng chùa, thắp nhang cho mẹ, bà của mình. Cùng chung cảm xúc ấy, bà Trần Hồng Chiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói với chúng tôi: “Làm được điều này là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đây là việc nghĩa, trong khuôn khổ quy định cho phép, Sở sẽ hỗ trợ chùa nếu được đề nghị”.
Tỉnh Bạc Liêu có 1.953 Mẹ VNAH, hiện 184 mẹ còn sống. Không dừng ở con số 536 mẹ đang được thờ tại chùa, cư sĩ Thích Quảng Thiệt vẫn âm thầm nỗ lực để đưa tất cả các mẹ về đây. Đó cũng là mong muốn của nhiều người, như ông Dương Ngọc Lợi nói: “Về sau, có điều kiện làm quy mô hơn thì càng tốt để bày tỏ lòng tôn kính người có công cách mạng, giáo dục con cháu truyền thống anh hùng của quê hương”.
Nghĩa lập
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường