Phóng sự - Ký sự
Công tử Bạc Liêu đốt tiền làm đuốc tìm tiền - chuyện thật mà như giai thoại
>>Chuyện đời Công tử Bạc Liêu: Cậu bé chăn trâu trở thành đại điền chủ giàu nhất Nam Kỳ
>>Phát hiện mới thú vị về Công tử Bạc Liêu: Cả đời xài hết 5 tấn vàng thế nào?
Trong hàng chục, hàng trăm “chiêu trò” làm cho Công tử Bạc Liêu lưu danh hậu thế, có lẽ câu chuyện “đốt tiền làm đuốc” là nổi bật hơn cả.
Con trai Công tử Bạc Liêu bên ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu (nay là khách sạn Công tử Bạc Liêu). |
Người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng
Nếu không tính Vua Bảo Đại được trang bị máy bay riêng từ tiền ngân khố quốc gia lúc ấy, thì Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy là người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng. Từ Pháp trở về, sau khi được ông Hội đồng Trạch tổ chức đại tiệc để ra mắt giới quan chức, điền chủ khắp lục tỉnh Nam Kỳ, Ba Huy dành 3 tháng làm một chuyến du ngoạn khắp từ Nam chí Bắc bằng chính chiếc xe Chevrolet mà ông Hội đồng Trạch mới mua. Trong chuyến đi xuyên Việt này, Ba Huy có dịp xài tiền như nước, ước tính lên đến vài triệu đồng Đông Dương lúc đó, tương đương gần 10kg vàng.
Trở về Bạc Liêu, Ba Huy được ông Hội đồng Trạch tin cẩn giao cho cai quản cơ ngơi làm ăn của cả gia đình: Hơn 100 ngàn hécta ruộng lúa và hơn 50 ngàn hécta ruộng muối ở Bạc Liêu và các tỉnh lân cận. Điều đó cũng dễ hiểu, trong số các con của Hội đồng Trạch, Ba Huy là người học cao hơn hết, lại chứng tỏ bản lĩnh, sự lịch lãm hơn người, vì vậy mà được cha tin tưởng giao trông coi toàn bộ cơ nghiệp của gia đình.
Tiếp nhận chuyện quản lý “vương quốc” đồng ruộng cò bay thẳng cánh này, Ba Huy thuyết phục ông Hội đồng Trạch mua máy bay để... đi thăm ruộng. Trước đó, ông Hội đồng Trạch đi thăm ruộng bằng xe hơi đối với đường bộ, hoặc bằng ghe máy khi phải đi trên sông, ông còn chưa nghĩ tới chuyện trang bị xuồng máy cao tốc. Ba Huy cho rằng như vậy là quá lạc hậu.
Thuở ấy, trên toàn nước Nam chỉ mới có Vua Bảo Đại là có máy bay riêng. Vua Bảo Đại thường dùng máy bay để bay từ Huế vào Sài Gòn đánh bạc, rồi bay lên Đà Lạt nghỉ ngơi, bay đi Buôn Ma Thuột săn thú... Bằng cách khéo léo thuyết phục rằng nếu dòng họ Trần Trinh không sớm sắm máy bay, các đại điền chủ khác sẽ sắm, gia tộc Trần Trinh sẽ mất cơ hội là gia đình đầu tiên ở nước Nam có máy bay (trừ Vua Bảo Đại), Ba Huy đã thuyết phục được ông Hội đồng Trạch bỏ một núi tiền để mua máy bay. Một hợp đồng mua máy bay, loại 2 cánh quạt, 2 chỗ ngồi, đã được Công tử Bạc Liêu ký với hãng cung cấp máy bay của Pháp. Theo một vài nguồn thông tin, giá trị hợp đồng lên đến vài chục triệu đồng Đông Dương, tương đương hơn 100kg vàng.
Khi máy bay chưa về tới Sài Gòn, nhờ Ba Huy quan hệ tốt với cánh báo chí, vào ngày 24 tháng 6 năm 1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã loan tin giật gân Công tử Bạc Liêu mua máy bay với tít lớn ở trang nhất: “M.Tran Trinh Huy propriétaire à Baclieu possède un avion et il aménager une piste d atterrissage sur sa propriété à Camau”, có nghĩa “Ông điền chủ Trần Trinh Huy sắm một chiếc máy bay và làm sân bay trên đất của ông ở Cà Mau”.
Ông Trần Trinh Đức bên chân dung của cha mẹ (Công tử Bạc Liêu và vợ) trong khách sạn Công tử Bạc Liêu ngày nay. |
Ba Huy đánh dây thép kêu tài xế chở ông Hội đồng Trạch từ Bạc Liêu lên Sài Gòn để đích thân Ba Huy lái máy bay đưa cha trở về Bạc Liêu. Đó lại là một ngày đáng nhớ của gia đình Hội đồng Trạch. Nhìn Ba Huy cho máy bay chạy “như bay” trên đường băng Tân Sơn Nhất, rồi nhấc mình khỏi mặt đất, ông Hội đồng Trạch chỉ biết ôm chặt thành ghế, chỉ sợ rớt xuống đất. Đến khi máy bay lấy độ cao, thăng bằng trở lại, ông mới dám mở mắt ra.
Lần đầu tiên được bay lên trời, ông Hội đồng Trạch vừa mừng vừa lo, không biết thằng con Ba Huy có bay được về tới Bạc Liêu không. Ông mặc áo dài khăn đóng đàng hoàng, như thể đi lễ hội. Ba Huy chưa vội trực chỉ hướng Tây Nam, mà cho máy bay lượn một vòng quanh thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và chỉ cho ông Hội đồng Trạch đâu là sông Sài Gòn, đâu là Chợ Lớn, ngoài xa là biển Đông...
Từ trên mây nhìn xuống đất, ông Hội đồng Trạch không chớp mắt, ra chiều thú vị. Bất ngờ ông vỗ đùi cái đét nói: “Trên này ngó xuống đất chỉ thấy phía dưới mờ bụi đỏ. Mà “bụi đỏ” chữ Nho có nghĩa là “hồng trần”. Hèn chi người xưa nói cuộc đời là hồng trần, bây giờ đi máy bay tao mới hiểu”. Ba Huy mỉm cười giải thích: “Không hẳn vậy đâu ba. Tại bên dưới là vùng Gò Vấp đất đỏ, nên khi gió cuốn ba thấy mù bụi đỏ. Chút nữa tới vùng đồng bằng đất đen xứ mình, gió cuốn bụi đen sì, lúc đó đâu còn là hồng trần”.
Máy bay lướt qua sông Tiền, rồi sông Hậu, cậu Ba Huy hướng máy bay về phía Sóc Trăng, nơi đó có Bãi Xào, là một trong những sở đất trồng lúa lớn nhất của ông Hội đồng Trạch. Xong, Ba Huy bay ra phía biển, cho máy bay bay cặp theo bờ biển hướng về phía Bạc Liêu, bên dưới là những sở ruộng làm muối của Hội đồng Trạch chạy dài theo biển.
Theo hướng chỉ tay của Ba Huy, ông Hội đồng Trạch thấy từ xa ở phía dưới là “châu thành Bạc Liêu”. Chiếc máy bay lượn mấy vòng trên bầu trời thị xã Bạc Liêu để cho ông Hội đồng Trạch thấy đâu là Nhà Lớn của mình, đâu là sông Bạc Liêu và chiếc cầu Quay bắc qua sông. Chiếc máy bay bay vòng tròn, theo hình trôn ốc, hạ thấp dần, lấy tâm là Nhà Lớn. Cả gia đình ông Hội đồng Trạch và dân thị xã Bạc Liêu đã được báo trước, họ đứng phía dưới vẫy chào chiếc máy bay đang lượn qua lượn lại trên đầu. Ý ông Hội đồng Trạch còn muốn “quần thảo” trên bầu trời Bạc Liêu thêm nữa, nhưng Ba Huy nhìn đồng hồ báo nhiên liệu rồi bảo với cha là “sắp hết xăng”, vì vậy ông Hội đồng Trạch mới chịu đi tiếp. Chiếc máy bay trực chỉ hướng thị xã Cà Mau, cách Bạc Liêu 60 cây số, nơi có sân bay cá nhân của gia đình Hội đồng Trạch vừa được xây dựng trước đó trên chính sở ruộng của mình. Từ Cà Mau, ông Hội đồng Trạch trở về Bạc Liêu bằng xe hơi, còn cậu Ba Huy thì ở lại với chiếc máy bay để hàng ngày bay đi thăm ruộng.
Thường thì Ba Huy bay một mình, nói là thăm ruộng nhưng chủ yếu là để thỏa cái thú ăn chơi của mình. Thỉnh thoảng Ba Huy cũng lái máy bay đưa ông Hội đồng Trạch đi thăm các sở ruộng ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Có một lần Ba Huy một mình lái máy bay đi thăm ruộng ở Cà Mau. Cao hứng, Công tử Bạc Liêu bay dọc theo bờ biển về phía Rạch Giá, Hà Tiên, nơi không có ruộng nương nào cả của gia đình Hội đồng Trạch. Ba Huy phát hiện một điều thú vị, từ trên cao nhìn xuống, bờ biển Tây từ Cà Mau tới Rạch Giá như một đường thẳng chứ không gấp khúc như những bờ biển nơi khác.
Ba Huy cứ men theo đường thẳng ấy mà bay, để rồi mất phương hướng bay lạc sang Campuchia, bay tiếp qua cả Thái Lan. Máy bay hết xăng, Ba Huy xin đáp khẩn cấp xuống đất Thái Lan. Nhà chức trách Thái Lan đã phạt Ba Huy số tiền lớn về tội xâm nhập không phận trái phép.
Ba Huy đánh dây thép về Bạc Liêu, ông Hội đồng Trạch phải cho chở 3 chiếc ghe chày loại lớn đầy lúa qua tận Thái Lan để nộp phạt chuộc Ba Huy và máy bay đem về. Ước tính số tiền nộp phạt khoảng vài ngàn đồng Đông Dương, tương đương khoảng 10kg vàng.
Trong các sử liệu không thấy ghi số phận sau này của chiếc máy bay của Công tử Bạc Liêu. Có người nói Ba Huy chơi mãi cũng chán nên bán rẻ lại cho người khác. Có người nói do sân bay ở gần vùng biển gió mặn nên sớm xuống cấp, rồi hư hỏng, Ba Huy phải bỏ “trồng hành”. Chỉ một thú tiêu khiển của Công tử Bạc Liêu đã ngốn mất hàng trăm ký vàng!
Công tử, có 2 công tử...
Việc Ba Huy chơi trội nổi tiếng ở đất Bạc Liêu đã làm không ít công tử con của đại điền chủ khác ở Nam Kỳ thấy nóng mặt. Không ít người trong họ muốn “thi đấu” với Công tử Bạc Liêu, nhưng chỉ có một người nổi lên ngấp nghé với đẳng cấp ăn chơi của Ba Huy, đó là Lê Công Phước (còn có tên George Phước, hay Công tử Mỹ Tho) - con ông Đốc phủ Lê Công Sủng ở tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay). Người đời gọi Lê Công Phước là Công tử Mỹ Tho để phân biệt với Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Cũng có nhiều người gọi George Phước là Bạch công tử (vì có nước da trắng) để phân biệt với Hắc công tử Trần Trinh Huy (vì có nước da ngăm đen).
Lê Công Phước sinh năm 1900, còn Trần Trinh Huy sinh năm 1901. Họ cùng du học bên Pháp và cùng ăn chơi nổi tiếng ở giữa Paris tráng lệ. Nếu như Ba Huy học nhảy đầm và lái máy bay thì George Phước vì mê cải lương nên theo học “hàm thụ” về sân khấu. Ba Huy nổi tiếng trong các vũ trường, thì George Phước hay la cà trong các nhà hát nổi tiếng. Cả hai cùng nổi tiếng đào hoa, Ba Huy sống như vợ chồng với một cô gái Pháp chính hiệu và có với nhau một người con, còn George Phước lại cặp kè với một cô gái Nga có dòng dõi Sa hoàng, đẹp như hoa hậu.
Bên Pháp, Ba Huy và George Phước có quen biết nhau, vì cùng là dân “lục tỉnh Nam Kỳ” và cùng ăn chơi nổi tiếng. Sau khi về nước, Ba Huy sắm xe hơi đắt nhất Nam Kỳ, rồi mua cả máy bay để đi thăm ruộng, trở thành người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư, thì George Phước cũng chọn cách chơi nổi không kém, ông sắm cho mình cả một đoàn hát cải lương và cho đóng những chiếc du thuyền sang trọng để đưa đoàn cải lương đi hát khắp Nam Kỳ.
Thời ấy, cải lương rất được trọng vọng ở miền Tây Nam Bộ, vì vậy mà đoàn cải lương Huỳnh Kỳ của George Phước với trang bị hiện đại như những đoàn ca kịch bên Pháp, đã làm cho tên tuổi của George Phước nổi như cồn, không thua kém Ba Huy. Vì vậy mà 2 “con hổ” về món ăn chơi ở miền Tây Nam Bộ này trở thành kỳ phùng địch thủ, ai cũng muốn mình nổi hơn người kia. Để rồi hễ có dịp là họ lao vào cuộc tỉ thí để phân định đẳng cấp.
Vì cả hai cùng giàu có (gia đình Ba Huy giàu hơn gia đình George Phước), nên hai tay công tử lừng danh nhất Nam Kỳ này tỉ thí với nhau chính là ném tiền ra để chinh phục người đẹp. Thuở ấy, có một người phụ nữ được phong “Hoa hậu Đông Dương” tên là Trần Ngọc Trà, thường gọi là cô Ba Trà. Cô Ba Trà đẹp đến nỗi Ngân hàng Đông Dương lúc đó đã in hình của cô trên giấy bạc; Nhà Dây thép cho vẽ hình cô để in thành tem thư. Cô Ba Trà thực sự là một bà hoàng không ngai làm các ông phủ, ông huyện, các công tử, thầy thông, thầy ký đều nhìn cô thán phục, thèm thuồng...
Công tử Bạc Liêu và Công tử Mỹ Tho vì vậy mà cũng lao vào cuộc chinh phục cô Ba Trà để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Người đời kể rằng, hễ Hắc công tử tặng cô Ba Trà món đồ gì quý, thì Bạch công tử cũng tìm mua cho kỳ được món quà đắt hơn để tặng. Để rồi Công tử Bạc Liêu cũng làm tương tự, vì vậy mà cô Ba Trà được tặng không biết bao nhiêu quà tặng quý giá của hai người đàn ông ăn chơi nhất Nam Kỳ, từ quần áo hàng hiệu, dây chuyền, nhẫn hột xoàn, thậm chí cả nhà cửa, xe hơi.
Tính ra, Công tử Bạc Liêu đã “ném” vào cô Ba Trà khoảng chục triệu đồng Đông Dương, tương đương 40 - 50kg vàng. Dù vậy, hai vị “đại công tử” không ai chinh phục được trái tim của cô Ba Trà. Cô Ba Trà chọn một người đàn ông khác làm chồng và cuộc đời của cô cũng kết thúc trong nghèo khó không khác gì hai vị “đại công tử” từng đổ hàng đống tiền để cung phụng cô.
Người đời sau ít ai ngờ rằng người nghệ sĩ đáng kính - NSND Phùng Há cũng từng có một thời liên quan đến 2 vị “đại công tử” nói trên. Bà là một nghệ sĩ cải lương lừng danh vào thập niên 1930, cũng được cả Công tử Bạc Liêu và Công tử Mỹ Tho thi nhau chinh phục, nhưng cuối cùng phần thắng thuộc về Công tử Mỹ Tho. Nghệ sĩ Phùng Há bắt đầu nổi tiếng vào đầu thập niên 1930 và tên tuổi của bà tiếp tục tỏa sáng trên bầu trời nghệ thuật cải lương cho đến khi qua đời vào năm 2009, thọ 98 tuổi. Bà chính là người nghệ sĩ có đóng góp nhiều nhất cho cải lương trong thế kỷ XX. Công tử Mỹ Tho không giàu bằng Công tử Bạc Liêu, nhưng lại được học hành bên Pháp về nghệ thuật sân khấu và là đồng hương Mỹ Tho của cô Bảy Phùng Há, nên đã chiến thắng trong cuộc đua chinh phục trái tim người nghệ sĩ tài danh này.
Cô Bảy Phùng Há trở thành vợ của George Phước trong 7 năm, sinh được 2 đứa con, nhưng cũng phải chịu đau khổ cùng cực vì thói ăn chơi sa đọa của chồng. Hai đứa con của họ đã chết trong những ngày đau khổ ấy. Về sau họ chia tay, Bạch công tử trở nên nghèo khó, chết không đất chôn.
Về cuối đời, vào năm 2001, bà Phùng Há đã cất công đi tìm được mộ Bạch công tử - một ngôi mộ đất bỏ hoang, để xây mồ mả đàng hoàng cho người chồng cũ. Cũng chính cô Bảy Phùng Há đã là duyên cớ để Công tử Bạc Liêu và Công tử Mỹ Tho thi thố chuyện đốt tiền, để lại giai thoại thuộc loại nổi tiếng nhất trong lịch sử ăn chơi bạt mạng của những công tử trên đất Nam Kỳ.
Đốt tiền làm đuốc tìm tiền
Câu chuyện có thật này xảy ra ở thị xã Bạc Liêu và nhanh chóng được đồn thổi khắp Nam Kỳ, lên cả mặt báo. Đó là lần gánh hát Huỳnh Kỳ do Công tử Mỹ Tho mới thành lập về hát ở Bạc Liêu, gần nhà của Công tử Bạc Liêu. Lúc đó cô Bảy Phùng Há là đào chính của gánh hát Huỳnh Kỳ, nhưng chưa thành vợ của George Phước.
Cả Ba Huy và George Phước cùng đang theo đuổi, chinh phục người nữ nghệ sĩ tài năng. Vì là chỗ quen biết, cũng là để khoe mẽ, nên khi gánh hát Huỳnh Kỳ của mình về Bạc Liêu, Công tử Mỹ Tho đã đích thân đến Nhà Lớn mời Công tử Bạc Liêu đến xem tuồng hát.
Vở diễn kéo màn, hai vị “đại công tử” ngồi gần nhau trên hàng ghế đầu, xung quanh là nhiều quan chức tỉnh Bạc Liêu. Trong lúc mọi người đang say sưa hướng mắt về sân khấu xem cô Bảy Phùng Há xuống câu vọng cổ ngọt ngào trong vở cải lương “Lữ Bố - Điêu Thuyền”, George Phước rút thuốc hút, tình cờ làm rơi tờ giấy bạc “bộ lư” (mệnh giá 5 đồng Đông Dương) xuống nền. Công tử Mỹ Tho cúi xuống tìm nhặt tờ giấy bạc, nhưng trong rạp ánh sáng lờ mờ, nên tìm hoài không được.
Công tử Bạc Liêu thấy lạ hỏi: “Toa làm gì đó?”. “Moa làm rớt tờ giấy bạc” - Công tử Mỹ Tho trả lời. Trong bóng tối, không ai nhìn thấy một thoáng nhíu mày toan tính của Công tử Bạc Liêu.
Như phát hiện ra điều gì đó thú vị, Ba Huy mỉm cười, rồi không nói không rằng, bất ngờ móc túi lấy tờ giấy bạc “con công” (mệnh giá 100 đồng Đông Dương, tương đương khoảng 15 triệu đồng hiện nay) rồi lạnh lùng bật hộp quẹt đốt để làm “đuốc” soi cho Công tử Mỹ Tho tìm tờ giấy bạc bị đánh rơi.
Chuyện “đốt tiền làm đuốc” diễn ra trước mắt nhiều người, toàn là dân có máu mặt, nên sau đó họ đồn thổi thành chuyện ly kỳ giữa Công tử Bạc Liêu và Công tử Mỹ Tho. George Phước bị chơi một vố quá nặng, quá mất mặt trước mọi người.
Chuyện kể tiếp rằng, do bị thua một vố quá đau trong vụ đốt tiền làm đuốc ở Bạc Liêu, nên Bạch công tử tìm cách trả đũa lại Hắc công tử và ông đã ra lời thách đấu, cũng liên quan đến chuyện đốt giấy bạc. Đó là thi nhau đốt giấy bạc để nấu nồi chè đậu xanh, ai nấu nồi chè sôi trước người ấy thắng. Hắc công tử đã nhận lời thách đấu và cuối cùng George Phước đã chiến thắng, đòi lại được món nợ trong rạp hát ngày nào. Sau này có nhạc sĩ đã dựa vào giai thoại trên để viết bài hát về Công tử Bạc Liêu “đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu”.
Một lần, người viết bài này đã có buổi tối ngồi nhậu rượu đế với ông Trần Trinh Đức - năm nay 65 tuổi, con trai Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Theo lời ông Đức thì lúc còn sinh thời của Công tử Bạc Liêu, ông Đức đã từng hỏi cha về các giai thoại đốt tiền nói trên. Công tử Bạc Liêu xác nhận với con có chuyện đốt tờ giấy bạc làm đuốc trong rạp hát, như là cách ông chơi trội đối với George Phước. Còn chuyện thi đốt tiền nấu chè đậu xanh thì đúng là George Phước có thách thức thật, nhưng Công tử Bạc Liêu đã từ chối khéo.
Ông nói với con: “Để tiền chơi gái sướng hơn, chứ tội gì đốt cả đống tiền để nấu chè. Chưa biết chừng Tây nó nghe chuyện bắt bỏ tù cũng nên vì tội hủy hoại nhiều giấy bạc”
Nguồn: laodong.com.vn
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ