Phóng sự - Ký sự
Đau đáu những mầm xanh “khát” mẹ
Đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội (ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) - nơi đang cưu mang, chăm sóc những người già neo đơn, bệnh tật và trẻ mồ côi, lần nào chúng tôi cũng cảm thấy xót xa bởi hình ảnh những đứa trẻ nhỏ còn nằm nôi nhưng lại bị cha mẹ ruồng bỏ. Nhìn những gương mặt hồn nhiên, ngây thơ ấy, chúng tôi tự hỏi không biết những người cha, người mẹ khi từ bỏ “giọt máu” của mình có cảm thấy day dứt không, nếu biết được ở nơi đây, chúng vẫn luôn khao khát tình mẫu tử và mong mỏi được gọi hai tiếng “mẹ ơi”…
“Mồ côi tội lắm ai ơi!”
Quả đúng như vậy, sống trong cảnh không mẹ, không cha, những đứa trẻ phải đối diện với những thiếu thốn cả vật chất lẫn sự yêu thương, chăm sóc, vỗ về. Trước mắt tôi là 4 đứa trẻ chưa đầy 18 tháng tuổi bị chứng bại não, nằm bất động trong những chiếc nôi gỗ đặt sát bên nhau. Các em nằm đó, cặp mắt tròn xoe, dáo dác nhìn ngó chúng tôi, miệng thì mở to như đang thèm khát bình sữa mẹ, hình ảnh ấy khiến ai có mặt hôm ấy cũng không khỏi xót xa. Từ đằng xa, có một bé nhỏ bị tật ở chân, tập tễnh chạy đến ôm chầm lấy một người trong số chúng tôi, miệng gọi từng tiếng dứt quãng: “Mẹ… mẹ…”. Các nhân viên chăm sóc trẻ ở đây cho biết, bé trai này bị bỏ rơi lúc chưa đầy 6 tháng tuổi, nay bé đã được 4 tuổi, tuy bị tật một bên chân nhưng bé khá lanh lẹ và thông minh. Có một điều mà các chị luôn thấy xót xa là bé hay thắc mắc về mẹ của mình và cứ chiều chiều lại cứ hay hỏi: “Mẹ con đâu rồi?”, rồi đưa mắt ngóng trông về phía cổng trung tâm, khiến các chị ở đây không cầm được nước mắt.
Ở trung tâm này có 26 trẻ bị bỏ rơi. 26 “mầm xanh” bất hạnh ấy cứ thế tựa vào nhau mà lớn dần lên dưới sự đùm bọc, yêu thương và chăm sóc của các chị, các mẹ trong trung tâm. Chị Thu Hà, một người chăm sóc trẻ của trung tâm bộc bạch: “Các bé ở đây, mỗi bé là một hoàn cảnh thương tâm được đem về nuôi từ khắp mọi nơi trong và ngoài tỉnh, nhiều nhất là ở Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Trong số đó, có vài em tàn tật, phải chịu bất hạnh đến 2 lần trong cuộc đời mà có lẽ tình yêu thương từ chúng tôi cũng không thể lấp đầy nỗi mất mát lớn lao ấy”.
Phía ngoài hành lang của trung tâm, một số bé đang chơi đùa rôm rả; còn bên trong căn phòng, một số bé đang say giấc nồng. Cơn gió của buổi trưa mát lạnh thổi tạt vào, nhìn những thân hình nhỏ nhắn nằm ngủ đôi mắt lim dim, gương mặt hồn nhiên mà thương xót biết bao! Dù các chị, các mẹ ở đây luôn dành hết tình yêu thương để bù đắp những thiệt thòi, mất mát nhưng dường như vẫn không thể khỏa đầy “cái lạnh” trong tâm hồn trẻ thơ. Đang trò chuyện với chúng tôi, chợt nghe tiếng khóc, chị Hà vội chạy đến bế bé gái chừng 2 tuổi lên cưng nựng, trong khi bé thì mếu máo đòi: “Bú… bú”. Dù chưa nhận thức được mọi thứ xung quanh, nhưng từ sau thẳm tâm hồn các em vẫn thèm khát vòng tay âu yếm từ cha mẹ. Những điều ấy tưởng chừng như đơn giản đối với một đứa trẻ bình thường nhưng với các em thì đó lại là cả niềm mong ước, khát khao đến cháy bỏng.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội. Ảnh: T.T
Sự cống hiến lặng thầm
Hiện tại, trung tâm có tất thảy 19 nhân viên. Trong đó có 7 nhân viên trực tiếp chăm sóc các bé, đặc biệt có 1 người là nam. Người ấy tên Nguyễn Chí Linh (23 tuổi) trước đây cũng là trẻ mồ côi được trung tâm nhận về nuôi lúc 10 tuổi, rồi được nhận ở lại làm nhiệm vụ chăm sóc các bé nhỏ và lau chùi, quét dọn khuôn viên. Đối với Linh, được làm nhiệm vụ này em cảm thấy rất hạnh phúc, vì một phần được đền đáp công ơn nuôi dưỡng của trung tâm, phần nữa là góp công sức làm điều có ích cho xã hội. Còn với các mẹ, các chị thì đó là một tâm niệm rằng mình đang xoa dịu bớt nỗi đau và mất mát của những mảnh đời bất hạnh.
Mọi người, ai cũng làm việc bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, chăm sóc mọi nhu cầu ăn uống, đi lại, vệ sinh, vui chơi của các trẻ. Nhiều mẹ, nhiều chị nhà xa phải ở lại và nhờ cha mẹ hai bên chăm sóc chính con ruột của mình để dành thời gian cho những đứa trẻ đáng thương nơi đây. Với họ, không cầu mong điều gì lớn lao mà đơn giản chỉ là hoàn thành trách nhiệm của lương tâm.
Vào những ngày 20/10 hay 8/3, dù không được hưởng niềm vui bên gia đình của mình như bao phụ nữ khác, nhưng đổi lại các chị cảm thấy thật ấm lòng khi được nhận những món quà từ các bé. Đó chỉ là những nụ hôn vào má, vài lời chúc không tròn câu, một bông hoa được vẽ nguệch ngoạc trên tờ giấy nhưng lại tiếp thêm sức mạnh cho các chị vượt qua gian khó để gắn bó với công việc cao cả của mình.
Tiêu chuẩn của các trẻ ở đây mỗi tháng từ 800 - 1,5 triệu đồng, trong khi hiện nay vật giá ngày càng “leo thang”, nên việc đảm bảo những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ là điều không dễ dàng. Ông Trần Văn Mạng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội, chia sẻ: “Do mới dời về địa điểm mới nên mọi thứ còn khó khăn, nhưng tập thể anh chị em nơi đây đều luôn cố gắng hết mình để đem đến cho các em những gì tốt đẹp nhất. Chúng tôi mong sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, sẻ chia của các mạnh thường quân để cùng chung tay chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh”.
Còn một điều ông Mạng cũng luôn mong muốn đó là các bạn trẻ hãy một lần đến trung tâm, chứng kiến những hoàn cảnh thương tâm này để thấy mình cần phải sống có trách nhiệm hơn với chính mình và xã hội. Hãy suy nghĩ chín chắn, hành động đúng đắn để không còn những phận đời mồ côi phải lao đao, trôi dạt đến nơi này.
Huỳnh Hiếu