Phóng sự - Ký sự

Day dứt một phận người…

Thứ Sáu, 25/03/2016 | 16:46

Gần 10 năm, kể từ ngày bị tai nạn lao động, Đương sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Khi nhìn vào đôi mắt Đương, tôi cảm nhận được một khát vọng sống mãnh liệt…

Tôi tự hỏi, có bao nhiêu trường hợp như em? Sau tai nạn lao động là… nằm bất động! Đẩy bản thân và gia đình vào ngõ cụt!

Năn nỉ vợ… đi lấy chồng

Nghèo, không nhà, không cục đất chọi chim, Quách Minh Đương (ấp Nhà Thờ, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) cùng gia đình dắt díu nhau lên TP. HCM làm thuê. Mối tình của anh thợ xây và cô phụ hồ chớm nở trong những ngày lam lũ ấy được kết duyên bằng một đám cưới đơn sơ. Dẫu cuộc sống thiếu trước hụt sau, nhưng tình cảm của đôi vợ chồng son vẫn rất mặn nồng. Tiếng nói, tiếng cười vẫn vang lên hàng đêm trong căn gác trọ ọp ẹp, nóng bức. Họ cùng nhau vẽ ra tương lai với đám con thơ, căn nhà nhỏ ở quê nhà khi tích cóp đủ tiền.

Mới cưới vợ được hơn 3 tháng, Đương bị tai nạn lao động khi rơi từ tầng 5 của một công trình xây dựng. Sắt đâm xuyên lưng, bị treo lơ lửng, dập tủy sống. Khi đó, Đương mới 23 tuổi. Không hợp đồng lao động, không bảo hiểm tai nạn. Nhà thầu chỉ cho một ít tiền điều trị. Gia đình chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho Đương trong vô vọng. Chi phí cấy, ghép tủy hàng trăm triệu đồng là một con số “khủng khiếp” đối với gia đình. Đương bị liệt nửa thân dưới. Cùng đường, gia đình phải đưa Đương về quê tá túc nhờ nhà ngoại.

Nằm liệt giường, mọi sinh hoạt cá nhân phải có người giúp đỡ. Bất lực với bản thân, bế tắc trước cuộc sống, Đương thường suy nghĩ mông lung. Trách đời, trách bản thân sao quá bạc phận. Niềm an ủi duy nhất là người vợ trẻ ngày đêm túc trực chăm sóc, động viên…

Biết đời mình chẳng đi đến đâu, sống không bằng chết, sau nhiều đêm thức trắng, Đương bạo miệng bảo vợ: “Mình có thương tôi thì đi lấy người khác đi…”. Ánh mắt vô hồn. Thân thể bất động. Giọng nói lạc đi khi thốt lên những điều “tận đáy lòng” của một người chồng khi biết rằng mình chẳng còn mang lại hạnh phúc cho vợ vì đã trở thành phế nhân. Một gánh nặng quá sức trên đôi vai gầy còm, nhỏ bé và còn quá son trẻ ấy.

Đương tâm sự: “Em biết đời mình không còn gì. Khi không còn tia sáng nào lóe lên thì cố níu kéo, cố nín lặng lại càng thêm đau khổ. Thà chịu khổ một mình để giải thoát cho người mình yêu có một cuộc sống tốt hơn. Cô ấy còn cả một tương lai phía trước, không thể để khổ theo em mãi được. Hơn 2 năm chăm lo, chia ngọt sẻ bùi với em đã là trọn nghĩa vợ chồng rồi. Nghe em nói vậy, vợ em chỉ biết khóc, không nói được gì”.

Khi trút bầu tâm sự với tôi, mắt Đương ngân ngấn lệ. Đương còn thương vợ mình nhiều lắm. Nhưng biết làm sao hơn!

Sau đó mấy hôm, người vợ một thời đầu ấp tay gối ấy dù khóc rất nhiều nhưng vẫn lẳng lặng cuốn gói về nhà mẹ ruột ở Trà Vinh. Thoáng cái đã 7 năm, đằng đẵng hơn 2.500 ngày chưa một lần quay lại…

Mẹ con Quách Minh Đương tại hành lang Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Ảnh: C.K

Lấy bệnh viện làm… nhà

Từ khi vợ bỏ đi, có lúc Đương thấy mình nhẹ nhõm, nhưng hàng đêm lại thấy trống vắng, hụt hẫng. Bàn tay ấm áp, giọng nói ngọt ngào đầy yêu thương ấy giờ ra sao, có nhớ đến mình không… Những ý nghĩ mông lung ấy cứ chiếm lấy đầu óc Đương cả trong giấc ngủ chập chờn.

Gần 10 năm, kể từ ngày bị tai nạn lao động, Đương sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Vài năm trước, khi còn nằm điều trị tại Trạm Y tế thị trấn Châu Hưng, hôm nào khỏe Đương tự lăn xe đi bán vé số kiếm tiền để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Gần 1 năm nay, bệnh trở nặng, thân thể bị lở loét, lại sinh ra nhiều biến chứng: suy thận giai đoạn cuối, thận ứ nước… nên phải lên Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu chạy thận nhân tạo.

Mỗi tuần chạy thận 3 lần, không tiền đi lại, nên lấy hành lang bệnh viện làm nhà với một chiếc ghế xếp ngay góc cầu thang lầu 3 của khu chạy thận nhân tạo. Mẹ Đương, dù tuổi đã cao nhưng ngoài việc chăm sóc con còn tranh thủ bán thêm vài tờ vé số để chắt chiu từng đồng mà trị bệnh cho con. Bệnh viện thương nên không làm khó. Mẹ con sống lây lất qua ngày nhờ tình thương của mọi người xung quanh. Người cho hộp cơm, người cho chai nước, dụng cụ cá nhân…

Nhắc đến chuyện gia đình mình, mẹ Đương ngân ngấn lệ: “Khi thằng Đương mới 14 tuổi, cha nó làm công nhân nhà máy đường Thới Bình (tỉnh Cà Mau) cũng bị tai nạn lao động. Máy ép quấn ổng cụt tay, gia đình lâm vào cảnh túng quẫn từ đó. Giờ tới lượt nó…”. Có lẽ, nỗi đau của một người vợ, người mẹ bị dồn nén quá lâu, nay có người khơi lại chuyện cũ nên đã vỡ òa. Không còn nước mắt. Mà chỉ là những tiếng nấc nghẹn ngào, khô khan trong cổ họng…

Dù thân thể nằm bất động nhưng khi nhìn vào đôi mắt Đương, tôi vẫn cảm nhận được một khát vọng sống mãnh liệt. Ẩn sâu trong đôi mắt ấy còn là nỗi day dứt khôn nguôi khi chưa trọn đạo làm chồng, làm con. Đương ngậm ngùi: “Nói chi đến chuyện trả hiếu anh ơi! Thân thể như vầy bắt các đấng sinh thành phải cưu mang, chăm sóc mình hàng ngày đã là chuyện bất hiếu nhất rồi. Nếu như có một điều ước, em ước mình được khỏe mạnh để cha mẹ đỡ khổ tâm, cực thân vì mình. Rồi đây, khi chữ hiếu chưa trả được, em lại đẩy cha mẹ mình phải lâm vào cảnh “lá vàng khô khóc lá xanh rơi”. Em thừa biết, mình không còn nhiều thời gian…”.

Con người có một quyền cao nhất là quyền được sống. Vậy mà… Hoàn cảnh của em làm tôi cứ day dứt mãi. Giá như em, như tôi có một điều ước… Mà thôi. Đây là một câu chuyện thật đến trần trụi. Không giống như trong chuyện cổ tích.

Tôi cũng không phải là người có nhiều trí tưởng tượng nhưng vẫn cứ phải thốt lên: Giá như…

Châu Khánh

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.