Phóng sự - Ký sự
Đi tìm thương hiệu khóm Ba Đình
Nhiều thập niên trước, khóm Ba Đình là đặc sản của vùng đất Vĩnh Lộc (nay là xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân). Thương lái từ khắp nơi đổ về, xuồng ghe tấp nập các bến sông. Thương hiệu “khóm Ba Đình” vang xa từ đó…
Một thời vang bóng…
Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm thời niên thiếu về khóm Ba Đình. Đó là vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cứ vào tháng Tư, tháng Năm, mẹ tôi thường cho tôi đi cùng để chèo mũi chiếc xuồng tam bản, xuôi theo dòng kênh xáng Chắc Băng đến tận Ba Đình mua khóm chở về chợ Thới Bình (tỉnh Cà Mau) để bán. Tuy ở xã Tân Bằng (huyện Thới Bình) quê tôi cũng có hàng ngàn héc-ta rẫy khóm, trái to gấp đôi, nhưng giá rẻ chỉ bằng một nửa, do vị ngọt không thể sánh bằng khóm Ba Đình. Đặc biệt, khóm Ba Đình có thể để đến 10 ngày vẫn không bị hư và vào đầu mùa mưa, vị khóm rất ngọt.
Chợ Ba Đình thời đó buôn bán sung túc lắm, một phần cũng nhờ cây khóm. Trên bờ, khóm chất từng đống cao ngập đầu người lớn, dưới sông khóm chất đầy các xuồng ghe, phủ một màu vàng trên sông bởi màu khóm chín. Cây khóm đã bao phủ gần hết diện tích đất khu vực Ba Đình, lan ra cả những vùng đất lân cận của xã Ninh Thạnh Lợi, sang cả bên kia bờ sông Cái Lớn thuộc địa phận xã Vĩnh Thắng (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang). Diện tích cây khóm cả vùng lúc bấy giờ lên đến 6.000 - 7.000ha. Phần lớn khóm trồng ở vùng đất này, người dân gọi chung là khóm Ba Đình, tuy nhiên chỉ có trái khóm trồng ở địa phận ấp Ba Đình mới là khóm có vị ngon nhất.
Không giống loại khóm ở Tân Bằng, Cầu Đúc hay ở nơi khác, khóm Ba Đình không to, nhưng mắt đều, thon nhỏ dần về ngọn. Phần ngọn chỉ bằng gần một nửa phần cuống trái, lá mỏng, gai hai bên bìa không cứng. Khi xẻ khóm ra thấy xớ dày, ít nước, ăn vào cảm thấy vị ngọt lịm. Vậy nên, khóm Ba đình được sánh danh như những đặc sản gạo Nàng Thơm Chợ Đào nổi tiếng có một không hai. Mãi đến nay, không ai lý giải được tại sao khóm Ba Đình lại ngọt, ngon như vậy.
Ông Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A (bìa phải) thăm hỏi tình hình sản xuất của người dân trong mùa thu hoạch khóm. Ảnh: C.K
Mấy mươi năm, tôi mới có dịp trở lại Ba Đình vào những ngày tháng 3 này, cũng là lúc vào mùa thu hoạch khóm. Bà con trồng khóm ở đây đều vui mừng vì bán được giá cao. Ông Lê Văn Út, Trưởng ấp Ba Đình, cho biết hiện tại thương lái vào tận nơi thu mua với giá 9.000 - 10.000 đồng/trái (loại từ 1kg trở lên). Còn mùa nghịch thì giá cao hơn, năm ngoái, giá lên đến 13.000 đồng/trái.
Gia đình ông Âu Tôn đã ba đời gắn bó với cây khóm, hiện còn diện tích khóm nhiều nhất ở Ba Đình, với trên 6ha. Ông Tôn chia sẻ, khi ông lớn lên đã thấy cây khóm ở vùng đất này. Khóm dễ trồng, đầu tư tiền, công ít nhưng một năm thu hoạch 2 vụ và có thể thu rải vụ, cho thu nhập bền và đều. Chỉ cần đầu vụ rải phân, ốp gốc đầy đủ là có thể thu hoạch từ 4 - 6 năm mới phải cải tạo trồng lại.
Ở vùng này đám tiệc, lễ tết đều có các món ăn từ khóm: khóm ăn sống tráng miệng, mứt khóm, gà hấp khóm, bao tử heo xào khóm. Đặc biệt là món cá kho bằng nước màu khóm, khô khóm, rượu khóm… Nhân bữa cơm chiều, anh Nguyễn Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A, cho chúng tôi nếm thử rượu khóm. Ai nấy đều chặc lưỡi, gật gù công nhận rượu ngon. Vị ngọt, thanh của khóm xen lẫn vị cay nồng không lẫn vào đâu được…
Tìm lại thương hiệu…
Những năm gần đây, khóm Ba Đình ít có mặt ở các chợ của Bạc Liêu, nhưng vẫn có mặt tại các sạp trái cây ở chợ Thới Bình, hay trong siêu thị ở TP. Cần Thơ, TP. HCM và một số tỉnh ĐBSCL. Do nổi tiếng và ít sản lượng, nên các thương lái thường về đây đặt mua và chở đi nơi khác để cung ứng cho bạn hàng ở ngoài tỉnh. Với giá và đầu ra rộng như vậy, nên những hộ còn duy trì nghề trồng khóm vẫn có mức thu nhập khá, từ 70 - 90 triệu đồng/ha/năm.
Khách đến Ba Đình thăm họ hàng, đi công tác hoặc du lịch, sau khi thưởng thức các sản phẩm từ khóm, đều không quên mua một ít khóm về biếu người thân.
Tuy nhiên, từ những năm đầu của thế kỷ này, việc đầu tư kỹ thuật, cải tạo giống không được quan tâm nhiều, đặc biệt là do rệp sáp gây hại, nên diện tích khóm ngày càng giảm mạnh. Năm 2003, UBND huyện Hồng Dân phối hợp với Sở KH-CN và Trường đại học Cần Thơ nghiên cứu đề tài trồng khóm trên đất liếp có sử dụng phân vi sinh làm mùn hóa hệ thống rễ dừa (cây được trồng xen canh trong liếp khóm) bồi thêm đất bùn mương. Nghiên cứu không thành công vì rẫy khóm nào cũng bị rệp sáp tấn công mà chưa có thuốc trị đặc hiệu. Ông Lê Văn Út cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2ha đất trồng khóm. Hơn 12 năm trước, rẫy khóm mỗi năm thu hoạch 2 lần/năm. Năm nào gia đình cũng có mức thu nhập khá, nhà xây được cũng nhờ cây khóm. Nhưng do rệp sáp gây hại không trị được nên phải phá khóm, ban liếp xuống để nuôi tôm. Nhiều hộ trồng khóm ở đây khi chuyển qua nuôi tôm, nhiều năm liền phải lao đao vì vốn cải tạo đất sang nuôi tôm quá lớn".
Theo ông Võ Văn Út, nguyên Bí thư Huyện ủy Hồng Dân thì năm 2005 huyện có ý chọn khóm Ba Đình để xây dựng thương hiệu đặc sản của Hồng Dân. Nhưng do tình trạng rệp sáp gây hại không tìm ra thuốc đặc trị, cộng với phong trào nuôi tôm lúc bấy giờ nổi lên, người dân ùn ùn bỏ khóm sang nuôi tôm nên cây khóm Ba Đình càng không được quan tâm.
Vài chục héc-ta, với số hộ còn giữ lại cây khóm chỉ đếm được trên đầu ngón tay, ngày đêm vẫn còn đau đầu với nỗi lo rệp sáp gây hại. Cứ đà này chắc rằng chẳng bao lâu nữa, thương hiệu khóm Ba Đình vang bóng một thời sẽ đi vào ký ức. Vì thế, hành trình tìm lại thương hiệu của khóm Ba Đình vẫn còn là một câu chuyện dài phía trước…
XUÂN THƯỞNG
- TP. Bạc Liêu: Hơn 140 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh