Phóng sự - Ký sự
Gặp người phụ nữ 20 năm “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”
Không ai ngờ người phụ nữ bình dị, nhỏ nhắn ấy lại là một chuyên gia kinh tế tầm… thế giới. Trên 20 năm bươn chải, từ một chân dọn phòng, bồi bàn… để rồi giờ đây người phụ nữ ấy đã trở thành “công dân thế giới” khi đã sống, làm việc tại 63 quốc gia trên thế giới.
Tôi được vinh dự gặp gỡ người phụ nữ ấy vào những ngày tháng 10 này nhân dịp chị về nói chuyện với sinh viên Bạc Liêu trong chương trình “Bật nút công dân toàn cầu” do Mobiphone Bạc Liêu phối hợp cùng Trường đại học Bạc Liêu tổ chức.
Diễn giả Nguyễn Phi Vân tại buổi giao lưu “Bật nút công dân toàn cầu” với sinh viên Trường đại học Bạc Liêu. Ảnh: C.K
Từ “ếch ngồi đáy giếng”…
Người phụ nữ tôi muốn nói đến là diễn giả Nguyễn Phi Vân - CEO chuyên ngành bán lẻ và nhượng quyền quốc tế và là cố vấn cao cấp của một số tập đoàn, tổ chức, chính phủ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mở đầu câu chuyện với các sinh viên tại Bạc Liêu, diễn giả Nguyễn Phi Vân nói: “Hôm nay tôi đến để nói về những thất bại của mình, các bạn có muốn nghe không?”. Cả hội trường trên 500 chỗ ngồi đồng thanh đáp: “Có!”. Đó là ấn tượng đầu tiên mà nữ diễn giả đã gieo vào lòng các bạn trẻ với một thông điệp rõ ràng: “Không có sự thành công nào tự đến mà không trải qua những thất bại”.
Với những thành tích và vị trí công việc như thế, nhưng người phụ nữ ấy không bao giờ tự mãn, không bao giờ nhận mình giỏi giang. Chị nói: “Đừng cho là tôi giỏi. Tôi không giỏi. Tôi chỉ cần mẫn “cập nhật”, cần mẫn hoạch định kế hoạch, cần mẫn triển khai và thực hiện những kế hoạch ấy mà thôi. Có khác chăng là tôi biết mình chẳng bằng ai. Và thế là luôn luôn đặt trọng tâm phát triển và đổi mới bản thân mình. Và tôi sẽ không dừng ở đó. Bạn thì sao?”.
Ấy vậy mà đã có người gọi chị là “ếch ngồi đáy giếng”. Chị dí dỏm: “Ếch tôi thật ra cũng đã từng loay hoay không biết mình là ai và không biết mình đại diện cho điều gì nữa. Chọn chỗ làm vì lương cao, chọn công việc vì cơ hội, làm đông làm tây, thấy cơ hội nào cũng quơ quào. Sau này đi ra thế giới rồi, học được những bài học hay ho mới tĩnh tâm ngồi suy nghĩ. Khi đã định vị mình là chuyên gia trong ngành trên thị trường quốc tế, tôi từ chối tất cả những công việc hay cơ hội nào không góp phần vào công cuộc thực hiện hóa định vị của tôi. Có lẽ đã đến lúc bạn cũng phải bắt đầu?”.
Xuyên suốt câu chuyện với các bạn trẻ là những sẻ chia, gợi mở, những lời tâm sự thật lòng của một người từng trải, từng nếm trái đắng của thất bại… để mang đến những hoài bão, ước mơ tươi đẹp cho thế hệ trẻ nước nhà, giúp họ mạnh dạn bước ra khỏi cái “vỏ ốc” của mình, tự tin hòa nhập, tự tin bước đi trên con đường mình đã chọn dù nó có chông gai, trắc trở đến cỡ nào.
Cách nói, cách truyền đạt của chị cũng rất mộc mạc, thân tình đậm chất miền Tây Nam bộ nhưng đã nhen nhóm, làm cháy lên ngọn lửa đam mê, dám đi và dám thử sức mình trước thế giới đa chiều, rộng thênh thang của các bạn trẻ. Đó cũng chính là động lực để các bạn trẻ mạnh dạn “Bật nút công dân toàn cầu” để đi, để biết mình là ai.
… Đến trở thành “công dân thế giới”
Với nghị lực phi thường, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy đã bước chân ra thế giới, một mình bươn chải để sinh tồn. Từ một chân dọn phòng khách sạn, chạy bàn các kiểu nhà hàng… để rồi… 20 năm sau, người phụ nữ ấy đã trở thành “công dân thế giới” khi đã sống, làm việc tại 63 quốc gia với nhiều cương vị khác nhau.
Vậy mà khi nói về người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trở thành “công dân thế giới” ấy, tại chương trình giao lưu, chị Ngô Phương Thảo, đại diện Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, chia sẻ: “Tôi đã nghe nói về chị rất nhiều, nhưng khi lần đầu gặp mặt chị, tôi rất ngỡ ngàng. Trước mặt tôi là một người phụ nữ rất bình dị, không trang điểm. Tôi tự hỏi: người phụ nữ được mệnh danh là “công dân thế giới” đây sao”. Quả thật, chị rất giản dị. Nếu không được giới thiệu, người đối diện sẽ không ngờ người đứng trước mặt mình lại “nổi tiếng” và là một chuyên gia tầm quốc tế như thế…
Không chỉ là diễn giả, chị còn là tác giả của nhiều quyển sách như: “Quảng cáo ở Việt Nam - Một góc nhìn của người trong cuộc” (NXB Trẻ phát hành 2008), “Nhượng quyền khởi nghiệp - Con đường ngắn để bước ra thế giới” (NXB Trẻ phát hành 2015) và mới nhất là quyển “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” (NXB Trẻ phát hành quý 4 năm 2016).
Với 20 chương, “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” là những câu chuyện tự kể của người phụ nữ Việt Nam bé nhỏ lặn lội khắp năm châu, bằng từng bước chân dò dẫm bước ra thế giới trên 20 năm của mình. Mỗi nơi chị đi qua là một bài học được rút ra, một kinh nghiệm xương máu để ghi nhớ và tự lớn dần theo năm tháng. Đó không phải là những gì lớn lao mà là những câu chuyện nhỏ, đời thường. Tuy vậy, với cách kể chuyện hấp dẫn, mỗi câu chuyện là một bài học cần cho các doanh nhân trẻ Việt Nam, các bạn trẻ, học sinh - sinh viên khi bước ra đời. Và qua những câu chuyện giản dị ấy, chị muốn nhắn nhủ với giới trẻ Việt Nam hãy tự tin, hãy tin vào những điều có thể bằng ngọn lửa đam mê và lòng nhiệt huyết của mình. Vì vậy, các bạn trẻ, hãy cháy hết mình!
Nói về chương trình “Bật nút công dân toàn cầu”, chị Ngô Thị Bích Ngọc, Giám đốc Mobiphone Chi nhánh Bạc Liêu, cho biết: “Mục đích của chương trình là để tạo ra môi trường học hỏi kinh nghiệm sống cho những người trẻ. Đây là cơ hội tốt để các bạn trẻ gợi mở và vun đắp những ước mơ cháy bỏng của mình ngay từ hôm nay”.
Cuộc hành trình hơn 20 năm “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” của chị Nguyễn Phi Vân chính là bài học để các bạn trẻ học tập: hãy tự tin, dám đi qua chông gai và nhất định có ngày sẽ thành công.
Châu Khánh
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường