Phóng sự - Ký sự

Lần theo con nước… mặn!

Thứ Sáu, 04/03/2016 | 16:05

Chưa bao giờ hạn, mặn lại gay gắt, nghiêm trọng đến thế! Người nuôi tôm lo thiếu nước mặn, người trồng lúa lo chống mặn. Nước mặn từ biển Đông, biển Tây tràn về khiến cuộc sống người dân vùng Nam Quốc lộ 1A đảo lộn…

Hạn càng gay gắt thì độ mặn càng tăng, lần theo những con nước “bất thường” này mới thấy hết sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đời sống người dân.

Theo dấu nước mặn…

Để tìm hiểu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, tôi làm một chuyến khảo sát nhỏ bắt đầu từ địa phận TX. Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng). Ngược dòng nước, tôi men theo đường mòn bên bờ kênh ngang qua cống Đá, cống Năm Kiệu trên địa bàn Vĩnh Biên… để về ngã tư xã Ninh Quới (huyện Hồng Dân). Dọc theo tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, các cống ngăn mặn nằm trong chương trình phân ranh mặn - ngọt đã khép kín.

Theo Trạm Thủy nông huyện Hồng Dân, từ đêm 29 tết, nước mặn đã vượt qua ngã tư Ninh Quới với độ mặn cao, lấn dần về phía Ngã Năm, “uy hiếp” trà lúa hàng ngàn héc-ta của tam giác Tha Na Rộn (xã Ninh Quới A) và tam giác Ninh Quới. Trước tình hình trên, Sóc Trăng đã cho đóng các cống. Ngăn mặn là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng việc đóng các cống như cống Đá, cống Năm Kiệu… đã gây khó khăn cho Bạc Liêu vì sẽ thiếu nước ngọt cho trà lúa đang làm đòng.

Về đến địa phận ấp Ninh Hòa (xã Ninh Quới A), tôi gặp anh Trần Tấn Thông đang cân lúa bán cho thương lái. Anh cho biết, vừa thu hoạch xong, vụ này năng suất giảm đáng kể. Trong 60 công ruộng của anh, có gần 10 công bị thiếu nước nên chỉ gặt được vài trăm ký/công, số còn lại cũng sụt giảm, chỉ đạt khoảng 1.000kg/công, giảm khoảng 200 - 300kg/công so với trước. Không chỉ riêng anh, vùng này ít nhiều gì ai cũng bị ảnh hưởng, tụt giảm năng suất do xâm nhập mặn, do thiếu nước ngọt. Ruộng nhà anh chỉ cách mé kênh chưa đầy trăm mét mà vẫn thiếu nước, vì dưới kênh toàn nước mặn.

Thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh cho thấy, có trên 11.000ha lúa bị thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn. Trong đó, có gần 9.000ha lúa - tôm. Đây thật sự là điều đáng lo ngại, bởi mô hình lúa - tôm dù vốn chịu được mặn, nhưng do độ mặn quá cao, thiếu nước, nên cũng chết vì mặn.

Ông Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, cho biết tình trạng xâm nhập mặn đã diễn ra trên địa bàn từ tháng 10/2015. Khi đó, triều cường biển Tây từ hướng Kiên Giang tràn qua đã làm thiệt hại gần 6.000ha lúa Một bụi đỏ của các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc, Ninh Thạnh Lợi, Ninh Hòa, Lộc Ninh khi vừa xuống giống…

Con nước mặn đang cao, cường độ mạnh nên ưu tiên hàng đầu của địa phương hiện nay là chống mặn - giữ ngọt để bảo đảm sản xuất cho người dân.

Cống Năm Kiệu trên địa bàn TX. Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: C.K

Trắng đêm canh nước mặn

Trên đường, tôi gặp lại anh Nguyễn Kỳ Phong, Trưởng trạm Thủy nông huyện Hồng Dân khi anh đang đi kiểm tra độ mặn trên các tuyến kênh nội đồng. Câu chuyện của tôi và anh về nước mặn liên tục bị gián đoạn bởi các cuộc điện thoại gọi về, báo cáo, cập nhật tình hình độ mặn trên các tuyến kênh.

Anh vẫn như xưa, dáng người thấp đậm, tính tình xởi lởi, giọng oang oang. Chỉ có gương mặt hốc hác hơn do nhiều đêm thiếu ngủ. Tấp vào quán cà phê ven đường, anh phân trần, từ 29 tết đến nay, khi nước mặn từ biển Đông tràn về, vượt qua ngã tư Ninh Quới là anh đi suốt, không được ăn tết với gia đình. Cách nhau vài tiếng đồng hồ, ngày cũng như đêm, anh và các đồng nghiệp phải đi đo độ mặn trên các tuyến kênh. Đi về vài chục cây số trong đêm, rồi còn phải làm báo cáo gửi ngay trong đêm. Làm xong lại đến giờ đi… Anh khoe với tôi, hôm mùng 4 tết, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đi kiểm tra tình hình, xong rồi gặp gỡ, động viên anh em làm nhiệm vụ, làm mọi người thấy vui, xúc động lắm…

Chưa kịp uống xong ly cà phê, điện thoại của anh lại đổ chuông. Độ mặn tại Vĩnh Biên lúc 12 gờ trưa là 1,6%o, tại ngã tư Ninh Quới là 6,7%o, tại Cầu Sắt là 6,9%o… Ghi chép xong, mặt anh buồn rười rượi: “Với độ mặn này, gặp nắng hạn như hiện nay thì con tôm còn phải ngất ngư chứ đừng nói chi cây lúa!”.

Để chủ động phòng chống hạn, mặn, mấy năm trước huyện Hồng Dân đã triển khai thi công hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng tam giác Ninh Quới. Đây là vùng ngọt ổn định, vùng sản xuất lúa trọng điểm của huyện với gần 8.000ha. Còn tam giác Tha Na Rộn với 1.065ha nằm phía bên kia kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp vẫn có hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt nhưng không ổn định, luôn bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt do còn nhiều tuyến kênh nội đồng thông với tỉnh Sóc Trăng.

Tuy ngành Nông nghiệp cho biết hiện bà con ở 2 tam giác này đang thu hoạch rộ, nhưng nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt không vì thế mà bị xao nhãng bởi còn phải giữ ngọt cho trà lúa của các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi và Phước Long. Vì thế, những người làm nhiệm vụ canh nước mặn như anh Phong vẫn ngày đêm ngược xuôi trên các tuyến kênh để theo dõi độ mặn, canh chừng con nước lớn, ròng nhằm giữ “nồi cơm” cho bà con. Vì người nông dân quanh năm chỉ trông chờ vào cây lúa, nếu thất vụ thì coi như mất trắng.

Chia tay anh, tôi đi dọc về hướng huyện Phước Long, Hòa Bình. Dọc theo các trục kênh, tiếng máy bơm nước nổ vang giữa buổi trưa. Trà lúa đang làm đòng nên không ai bảo ai, nhà nhà, người người cùng nhau bơm trữ nước ngọt, các trạm bơm cũng làm việc hết công suất dù mực nước qua mỗi đêm lại sụt giảm.

Trên suốt chuyến hành trình, tôi cứ trăn trở mãi. Năm nào cũng hạn, cũng xâm nhập mặn, diện tích thiệt hại mỗi năm cứ tăng. Nên chăng phải cơ cấu lại mùa vụ, chuyển đổi cây trồng phù hợp với diễn biến thời tiết. Bài toán vĩ mô như xây dựng âu thuyền, hệ thống cống phân ranh, điều tiết nước… đã có Nhà nước lo. Còn bà con mình cũng phải “thức thời”, chọn thời điểm sản xuất, cây trồng phù hợp để hạn chế rủi ro. Có như thế thì câu chuyện mặn - ngọt sẽ có hồi kết tốt đẹp.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.