Phóng sự - Ký sự
Một chuyến hải trình đáng nhớ
Cách đây không lâu, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã có chuyến công tác tại một số hòn đảo, cụm đảo thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang. Mặc dù trời mưa không ngớt và Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam bộ dự báo vùng biển Tây Nam có gió to, khả năng có bão cấp 6, cấp 7, song đoàn vẫn lên đường. Tôi may mắn có mặt trong chuyến hải trình ra đảo giữa mùa mưa bão…
Đoàn gồm các thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu, thủ trưởng 4 cơ quan Quân khu. Chỉ huy Lữ đoàn 25 Công binh, Lữ đoàn 950 và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang cùng tham gia. Chuyến đi còn có một số nhà thầu, kỹ sư xây dựng các công trình dân dụng; Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn.
Theo lịch trình: Tàu ST 294 18-43-66 của Lữ đoàn 950 xuất phát từ bến tàu Hà Tiên (TX. Hà Tiên), chở đoàn ra xã đảo Thổ Châu (Thổ Chu), huyện Phú Quốc. Thế nhưng, trên đường đi trời mưa to, biển có những đợt sóng lớn, nên tàu phải dừng lại huyện Phú Quốc. Băng mình trong mưa, các thành viên trong đoàn cùng tư lệnh quân khu đến kiểm tra các công trình phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đang thi công, hoặc đang dọn mặt bằng, tập kết vật tư. Đến đâu, các thủ trưởng cũng bắt gặp không khí lao động khẩn trương, đầy trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ.
Tại các công trình trên địa bàn huyện Phú Quốc, sau khi kiểm tra tiến độ, đánh giá chất lượng thi công, tìm hiều những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ, đồng chí tư lệnh quân khu đã biểu dương, động viên cán bộ, chiến sĩ đang lao động trên thao trường, công trường; và mong muốn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, gồm đơn vị được tiếp nhận công trình, cũng như đơn vị thi công xây dựng, tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành công trình đúng thời gian.
Đúng 2 giờ sáng 9/8, mọi người rời Phú Quốc, xuống Tàu ST 294 18-43-66 của Lữ đoàn 950 ra đảo Thổ Chu. Các thủy thủ trên tàu dầm mình trong mưa nối thang đón đưa mọi người trong đoàn xuống tàu an toàn. Sau đó, nhổ neo cho tàu từ từ rời bến… nhưng sau đó, chừng 30 phút, thì có lệnh tàu phải quay lại bờ, vì ngoài khơi biển động, đang có bão cấp 6, cấp 7.
Mọi người nhìn nhau, ánh mắt hiện lên những lo âu. Thương nhất là các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tàu, lại dầm mưa, lên xuống boong tàu thả neo, cột dây, nối thang đưa mọi người lên bờ. Nhìn những chiến sĩ gương mặt trẻ măng, thoăn thoắt, thuần thục làm nhiệm vụ, anh Tư Thủy giọng trầm lắng, như nói với chính mình: “Bộ đội, thời nào cũng vất vả!”. Nghe anh nói, lòng tôi chùng xuống, song cũng dâng trào cảm xúc tin yêu, ngưỡng mộ người lính.
Lính đảo Thổ Châu. Ảnh minh họa: B.T
… Tính đến thời điểm đoàn cán bộ quân khu ra đảo làm việc đã gần nửa tháng, từ đảo Thổ Chu vào huyện Phú Quốc, hoặc ngược lại đều không có tàu khách. Vì vậy, nhiều bà con ở xã đảo Thổ Chu vào Phú Quốc, ngóng mong một chuyến tàu ra. Biết tin có tàu của bộ đội ra đảo, hơn 20 bà con (phần lớn là phụ nữ và trẻ em) xuống cầu tàu xin quá giang. Được sự đồng ý của thủ trưởng, bà con mừng rối rít. Nào ngờ, chuyến đi phải dừng lại. Trong lúc chờ tàu cặp bờ, nhiều bà con than thở: “Tôi vô Phú Quốc hơn 10 ngày, hết trơn tiền ăn rồi, nay được Quân khu cho có giang, mừng quá, ai dè…”; “Hổm rày, trời mưa bão hoài, thiệt là khổ, nếu không về nhà thì lấy gì để sống”… Nghe bà con thở than, anh Tư Thủy nói nhỏ với Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 950 và các chỉ huy tàu: “Các đồng chí cố gắng bố trí cơm nước cho dân, đừng để bà con đói lạnh. Dù bão, gió có kéo dài, mình cũng không được bỏ dân”. “Dạ, rõ”. Thế là bà con được ở lại trên tàu của Lữ đoàn 950 chờ gió bão đi qua.
Tay bưng bát cơm, đôi mắt ngấn lệ, chị Lê Thị Tiền (ấp Bãi Ngự, xã đảo Thổ Châu) rưng rưng: “Ngoài đảo, khi biển động dài ngày, dân lên Trung đoàn 152 Quân khu xin hỗ trợ gạo, trung đoàn giúp liền, vì vậy, chúng tôi biết bộ đội rất thương dân. Lần này, nếu không có bộ đội cho cơm ăn, mấy chục bà con tôi không biết xoay sở làm sao”. Bà Nguyễn Thị Khéo, ngụ cùng ấp, cũng xúc động nói: “Mưa gió không dứt, vậy mà bộ đội trên tàu vẫn nấu cơm mỗi ngày 3 bữa cho bà con ăn, chúng tôi cảm động và biết ơn bộ đội nhiều lắm!”.
6 giờ sáng 10/8, đoàn tiếp tục cuộc hải trình. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ vượt sóng, tàu đã đến quần đảo Thổ Chu. Do chưa có cầu cảng, tàu phải neo đậu ngoài xa, sau đó, tàu đánh cá của ngư dân chuyển từng tốp vào bờ. Ngồi trên tàu, sóng đánh ngả nghiêng đã mệt, nhưng không thấy sợ bằng khi xuống chiếc tàu đánh cá của ngư dân để vào bờ. Lúc ấy, tôi cảm thấy con người quá nhỏ bé, mong manh trước biển cả, nhất là khi biển nổi cơn thịnh nộ.
Đồng chí tư lệnh và chỉ huy các đơn vị xuống tàu nhỏ vào Hòn Từ (một trong số hòn đảo trong cụm đảo xã Thổ Châu). Nơi đây, đồng chí cùng đoàn khảo sát mặt bằng, xác định vị trí, triển khai kế hoạch xây hồ chứa nước, nâng cấp doanh trại đảm bảo nơi trực, sinh hoạt cho một đơn vị bộ đội.
Rời Hòn Từ, đoàn về Trung đoàn 152. Tại đây, Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy cùng các đại biểu rất phấn khởi vì sau thời gian khẩn trương thi công, công trình hồ chứa nước của Trung đoàn 152 đã hoàn thành giai đoạn I. Hồ chứa nước xây dựng trên diện tích hơn 2ha, có sức chứa 240.000m3 nước. Tư lệnh chỉ lệnh các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai thi công các hạng mục tiếp theo của hồ nước, đồng thời căn dặn cán bộ chỉ huy Trung đoàn 152, phân công cán bộ giám sát, theo dõi chặt chẽ các diến biến của công trình trong quá trình sử dụng hồ nước, tuyệt đối không để xảy ra những sự cố dù nhỏ nhất, như nứt, sụt lún.
Làm việc với chỉ huy Trung đoàn 152, Tư lệnh Quân khu nghe chỉ huy đơn vị báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hơn 7 tháng và những nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng còn lại của năm 2018. Qua đó, đồng chí ghi nhận, biểu dương những cố gắng của cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, đơn vị còn phân công chiến sĩ tích cực lao động tạo cảnh quan môi trường, dọn mặt bằng bàn giao cho nhà thầu xây dựng các công trình. Chuyến đi này, Tư lệnh quân khu cùng các đồng chí trong đoàn khảo sát, kiểm tra mặt bằng, bản vẽ, cho ý kiến để các đơn vị thi công hoàn thiện thiết kế xây dựng các công trình cho Trung đoàn 152, gồm sở chỉ huy, đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng và một số công trình phục vụ huấn luyện, chiến đấu.
… Với Trung đoàn 152, chưa đầy 9 tháng, trở lại, tôi nhận diện: cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường đã và đang đổi mới. Trong đó, hồ chứa nước vừa hoàn thành, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, khu tăng gia sản xuất, rộng hơn 6 công đất đủ loại rau xanh. Cùng với nuôi gia súc, đơn vị xây dựng trại nuôi ếch. Ở đó, Cục Hậu cần Quân khu cũng vừa tiến hành sản xuất thử nghiệm cá đóng hộp. Xưởng sản xuất có công suất 100kg cá tươi/ngày.
Hôm về đất liền, biển đã bớt sóng gió, trời hết mưa. Chia tay, người về - người ở lưu luyến, kèm theo những lời dặn, lời chúc thắm tình. Phần mình, trước khi tàu rời bến, tôi ngoái lại phía sau, nhìn những cánh rừng ngút ngát màu xanh trên đảo, nhìn những chiến sĩ của Trung đoàn 152 đang giơ tay vẫy vẫy, lòng trào dâng xúc cảm và thầm nói: Một ngày không xa, sở chỉ huy, doanh trại của Trung đoàn 152 được xây dựng khang trang, vững chãi. Tất cả không chỉ tạo diện mạo tươi mới cho cụm đảo tiền tiêu Tây Nam của Tổ quốc, mà còn góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp để quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió giữ gìn biển đảo quê hương an nguyên, bền vững.
Hồ Trúc Điệp