Phóng sự - Ký sự
Nghề “hái” lộc trời
Chiều đến mà chạy xe một vòng quanh TP. Bạc Liêu, chúng ta dễ dàng nhận thấy một điều mà nếu vài năm trước đây, sẽ là chuyện hết sức lạ lẫm. Đó là những đàn chim yến gọi nhau về tổ, chúng lượn ào ào quanh khu vực mà chúng đã chọn làm nhà. Những con đường Trần Huỳnh, Trần Phú, khu hành chính tỉnh, khu địa ốc, khu dân cư phường 2, phường 5, đường Cao Văn Lầu ra biển… đâu đâu cũng thấy những cánh chim yến chao nghiêng.
Những nhà yến cũng theo đó mà mọc lên, những căn nhà rất dễ phân biệt bởi có cùng một thiết kế, thường xây bít bùng, chỉ chừa những khe nhỏ để lấy ánh sáng, không khí. Nhưng chứa đựng bên trong đó là cả những bí mật về một nghề khiến nhiều người, kể cả các doanh nhân thành đạt, đang tìm mọi cách để đầu tư vào đó. Nghề nuôi chim yến để “hái” tổ yến - được mệnh danh như “vàng trắng” của thiên nhiên, của trời đất ban tặng.
Yến về tổ và thu hoạch tổ yến. Ảnh: K.P
Thiên đường yến
Tôi được chủ nhân của nhà yến Minh Anh, một người sẵn sàng chia sẻ về nghề nuôi chim trời để “hái lộc” cho phép tham gia một chuyến thu hoạch yến tại nhà yến của chị. Tôi được nhân viên của chị chuẩn bị chu đáo, từ trang phục, dụng cụ mang theo đến đèn pin, vật không thể thiếu nếu tham gia cuộc khám phá nơi của những con chim từng chỉ thích sống ở nơi vách đá hoang vu, cheo leo, giờ chịu ngoan ngoãn sống trong những căn nhà được xây sẵn cho mình. Chúng tôi men theo một cầu thang dài và hẹp, tối om để lần đến nơi ở của yến. Cảm giác đầu tiên là khứu giác bị đánh thức toàn diện bởi cái mùi đặc trưng của chim yến, rất khó diễn tả. Cái mùi mà chị Minh, chủ nhân nhà yến Minh Anh đã vui vẻ kể, để có được nó, chị phải tốn 50 - 60 triệu đồng để mua phân chim yến từ những người nuôi yến trước mình. Bí quyết đầu tiên được hướng dẫn là pha chế nước từ phân chim yến để tưới lên những nhà yến còn mới. Chị Minh nhớ lại, khi nhà yến đã ướt hết mùi yến, thì chị cũng bốc mùi… phân yến, mà sau đó, tắm bao nhiêu bận cũng không ra hết, đến nỗi bạn bè, chồng con chạy dài mấy ngày sau đó không dám đến gần.
Bước vào nơi hàng ngàn chú chim yến sinh sống, tôi thật sự choáng ngợp và bất ngờ. Tối quá, chỉ nghe tiếng động bay vút qua vút lại bên tai, sát rạt người. Đến khi anh thợ bật đèn pin lên, tôi mới có thể “mở rộng tầm nhìn”. Chao ôi là yến, những cái tổ bé xíu, trăng trắng, nằm đều tăm tắp trên những thanh gỗ. Thợ lấy tổ phải xem xét kỹ từng tổ, xem tổ nào yến con đã ra ràng thì mới nhẹ nhàng lấy đi. Nơi này không thể xem là lý tưởng cho nhiều loài sinh sống, đối với con người thì càng không. Thế nhưng, nó lại là thiên đường của những chú chim yến. Và sản phẩm mà nó tạo ra, lại là thứ rất bổ dưỡng, để con người bồi bổ sức khỏe và tất nhiên rất đắt tiền. Càng đắt tiền thì những người nuôi chim yến càng “ăn nên làm ra”.
Tỷ phú… chim trời
Theo thống kê, đến tháng 8/2016, tổng đàn chim yến tính trên địa bàn toàn tỉnh Bạc Liêu đã vào khoảng con số 120.000 con. Và sản lượng cho ra đời từ các nhà yến xấp xỉ 100kg/tháng. TP. Bạc Liêu là nơi hiện tập trung nhiều nhà yến nhất, với số liệu hiện tại lên đến hơn trăm hộ nuôi chim yến.
Bạc Liêu cũng là một trong những địa phương có sản lượng nuôi chim yến trong nhà khá cao. Sản lượng tổ yến mang lại lượng thu nhập khủng cho các gia đình - họ nhanh chóng trở thành những tỷ phú, mà gọi theo cách vui là “tỷ phú chim trời”. Thu nhập từ chim yến có cái rất lợi, đó là nếu tính theo thời gian, những nhà yến càng lâu sẽ càng có giá trị bởi số lượng đàn yến tăng, tổ yến nhiều. Có lẽ không có nghề nào như nghề nuôi chim yến, không phải chăm sóc, cho ăn… không tốn quá nhiều chi phí cho những năm tiếp theo nếu nhà yến đã dẫn dụ được chim yến về nên người nuôi yến cũng không kén bất kỳ ai, từ anh bác sĩ suốt ngày chỉ biết đến thuốc men và bệnh nhân, đến mấy ông cán bộ nhà nước, chuyên ngồi bàn giấy, rồi mấy vị doanh nghiệp cũng nhảy sang nuôi yến.
Như trường hợp của anh Phạm Văn Liếp - Yến sào Kim Nhạn (TX. Giá Rai), là một doanh nghiệp thành đạt trong lĩnh vực nuôi chim yến và kinh doanh yến sào. Từ thành công của nhà yến này, anh Liếp nhân sang nhà yến khác. Rồi từ thành công của bản thân, từ kinh nghiệm trong quá trình làm nhà nuôi yến, anh Liếp đi truyền kinh nghiệm đó cho nhiều hộ gia đình khác với mong muốn làm giàu từ nghề nuôi yến. Bây giờ, trung bình mỗi tháng anh đều có công trình đi làm nhà yến từ Bạc Liêu, Cà Mau đến Tiền Giang, Hậu Giang…
Bạc Liêu cũng đã có nhiều thương hiệu yến sào, nhưng chủ yếu vẫn chỉ là những nhà yến tự phát, chưa được quy hoạch một cách bài bản, có định hướng. Bạc Liêu cũng chưa thành lập hiệp hội, liên kết những người nuôi yến lại với nhau. Đề án quy hoạch nuôi chim yến cũng mới được ngành Nông nghiệp soạn thảo, đang chờ UBND tỉnh phê duyệt. Nếu làm được những điều này, để Bạc Liêu có một thương hiệu yến sào riêng, để yến sào Bạc Liêu trở thành một trong những đặc sản vùng miền, có lẽ, không chỉ là mong muốn của người nuôi yến mà còn của cả nền kinh tế tỉnh nhà.
Yến Ngọc
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường
- Thiếu vắc-xin sởi giữa lúc ca bệnh tăng vọt